(BVPL) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong hàng trăm vụ “rút ruột” ngân hàng đã xảy ra thì 100% số vụ này đều xảy ra tại các ngân hàng trong nước. Một quan chức NHNN chia sẻ: “Ở nước ngoài, ngân hàng là người kiểm soát nền kinh tế, kiểm soát rất chặt các dự án đầu tư. Nhưng ở nước ta, ngay từ khi xem xét cho vay, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã nghĩ đến việc chia chác, việc quản trị rủi ro nguồn nhân lực ngân hàng không vượt qua cơ chế “phong bì”...
 


Nhưng theo ông Đào Quốc Tính, Phó Chánh thanh tra, giám sát NHNN: Hiện tại, các quy định của pháp luật và NHNN về hoạt động tín dụng, ngân hàng cũng khá chặt chẽ, nếu các cán bộ NH thực hiện đúng các quy định này về quy trình, nghiệp vụ NH thì không thể xảy ra tình trạng thất thoát tiền của NH. Theo phân tích, thống kê từ các vụ án cán bộ ngân hàng phạm tội cho thấy, hầu hết các vụ việc này đều là do lỗi cố ý của cán bộ NH, từ tất cả các khâu. Khi cho vay, tài sản thế chấp ít thì được cán bộ tín dụng “bênh” lên nhiều, hồ sơ vay vốn không đảm bảo... nhưng vẫn được duyệt cho vay. Biết là sai, nhưng vẫn cứ làm, vì tiền là của Nhà nước, của dân và một số cổ đông, có phải tiền túi họ đâu. Khi chưa cho vay họ đã nghĩ là người được vay sẽ phải đưa cho bao nhiêu?.

Cũng theo ông Tính, “trong hoạt động tín dụng NH có 7 loại rủi ro thì loại rủi ro về đạo đức cán bộ NH là loại rủi ro lớn nhất. Nhưng, việc quản trị rủi ro nguồn nhân lực trong NH nói chung chưa được đào tạo, độ kiểm soát nội bộ, minh bạch trong các tổ chức tín dụng, NH hiện nay cũng rất kém. Vì vậy, cán bộ NH là người cầm túi tiền của nhà nước, của dân mà có ý đồ “cướp” tiền của dân thì đây là loại “cướp” tiền nhanh nhất, gây hậu quả rất lớn về kinh tế, xã hội.

Có một thực tế là trong hàng trăm vụ việc liên quan đến tội phạm ngân hàng, thì 100% các vụ việc xảy ra đều ở các NH trong nước (mà ở đây số vụ việc nhiều và để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là khối Ngân hàng NN&PTNT) hoặc NH liên doanh. Riêng NH nước ngoài tại Việt Nam chưa thấy có một vụ việc nào?

Theo ông Đào Quốc Tính: “Các NH nước ngoài tại Việt Nam họ thực hiện quy trình nghiệp vụ NH rất chuẩn mực, rất chặt chẽ về mặt hồ sơ, thẩm định... Qua một loạt các dự án của Chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam cho 5 - 6 công ty xi măng của ta vay một đơn vị từ 5 – 7 triệu USD thì thấy, họ thực hiện quy trình kiểm tra hồ sơ, thẩm định rất chặt và điểm chốt cuối cùng trước khi giải ngân là các dự án vay vốn này phải được Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh họ mới đồng ý. Và khi đã làm rất chặt như vậy, thì họ chẳng cần quan tâm là DN xi măng sau khi vay vốn sống hay chết, nếu không có khả năng trả nợ là Chính phủ phải trả thay! Vì vậy, các NH của ta chẳng cần phải học hỏi ở đâu xa, cứ học một trong số các Chi nhánh NH nước ngoài về nghiệp vụ là quá đủ về quản trị NH, quản trị các loại rủi ro, trong đó có quản trị về nhân lực, đạo đức cán bộ ngân hàng.

Giải pháp nào cho an ninh tiền tệ?

Bàn về giải pháp đảm bảo an toàn cho ngành Ngân hàng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an kiến nghị với NHNN có 8 nhóm giải pháp: NHNN cần rà soát lại tất cả các quy trình, quy chế trong hoạt động của NHTM... để “vít” các kẽ hở để cán bộ NH không thể lợi dụng lừa đảo, tham ô chiếm đoạt tiền ngân hàng; Rà soát lại đội ngũ cán bộ NH chủ chốt, luân chuyển công tác, củng cố công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức; Chỉ đạo các NHTM tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm các sai phạm, rút kinh nghiệm và nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm; Tiến hành lộ trình tái cấu trúc lại hệ thống NH, loại bỏ những NH yếu kém; Tiến hành thanh tra, làm rõ những NH có nhóm cổ đông lớn, có DN sân sau thao túng hoạt động NH, tạo ra vốn ảo... để có những biện pháp quản lý, xử lý theo quy định; Sửa lại kiểu “nửa vời” của Thông tư 02 ngày 3/3/2011 của NHNN quy định trần lãi suất huy động vốn nhưng không có chế tài xử lý tạo sơ hở để cán bộ NH lợi dụng tham ô, trục lợi; phải xây dựng quy chế phối hợp đấu tranh, phòng ngừa chống các hành vi phạm tội trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng giữa NHNN với Tổng cục cảnh sát và các cơ quan bảo vệ pháp luật...

Theo ông Mai Anh Thông, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSNDTC và một số lãnh đạo VKS các tỉnh, thành phố cho biết: Ngoài việc Nhà nước chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và NHNN tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về tín dụng và NH thì cần phải: kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về NH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân và cán bộ NH về phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để quản lý, đấu tranh với tội phạm tín dụng, ngân hàng; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị nghiệp vụ sâu hơn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật; các ngành nghiên cứu sửa đổi cụ thể Điều 178, Điều 179 Bộ luật Hình sự, bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Hình sự những quy định về chứng cứ điện tử trong các giao dịch NH; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, tình hình vi phạm trong hoạt động NH; các NH cần rà soát lại chính sách an ninh công nghệ thông tin...

Việc công khai thông tin chuyển tiền điện tử, kiểm soát chuyển tiền và việc đặt ra quy định thống nhất khi cơ quan CA, VKS ra quyết định khởi tố vụ án trong thời gian bao lâu thì các NH phải tổ chức ngay việc phong toả tài khoản của tổ chức, cá nhân phạm tội để tránh thiệt hại đáng tiếc cho tài sản của nhà nước, cá nhân. Vì hiện nay, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là loại tội phạm công nghệ cao, nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp đảm bảo an ninh tiền tệ chính xác, kịp thời thì chỉ trong tích tắc, số tiền “cướp” được của bọn chúng sẽ được chuyển ra nước ngoài hoặc “phi tiêu” không thể thu lại được. Một khâu quan trọng nhất trong mọi hoạt động chính là yếu tố con người. Ngành NH phải tiến hành ngay một cuộc “đại phẫu thuật”, kiên quyết thanh loại các cán bộ NH yếu kém về phẩm chất đạo đức ra khỏi công tác tín dụng, ngân hàng, đồng thời tạo ra cơ chế “dưỡng liêm”, thưởng phạt nghiêm minh đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trong hoạt động tín dụng, ngân hàng...

 


Quang Chiến

.