Hàng chục năm qua, năm nào cũng có những vụ tai nạn thương tâm vì bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh. Hơn ai hết, chính những lao động nghèo thiếu hiểu biết, hoặc vì mưu sinh mà họ phải bất chấp khi chấp nhận “sống chung với thần chết”.
 


Cách đây không lâu, ông Nguyễn Ái Minh (38 tuổi, trú thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, H. Mộ Đức) nhặt được 2 đầu đạn B41 tại khu đất keo ở xã Phổ An, H. Đức Phổ. Ông Minh bí mật đem 2 đầu đạn trên đến nhà một người dân ở thôn An Phổ, xã Phổ An. Tại đây, trong lúc đục đầu đạn thì nó phát nổ khiến ông Minh bị thương nặng.

Để rà phá, làm sạch bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh cần nguồn kinh phí rất lớn và phải mất rất nhiều thời gian. Do vậy, để hạn chế những vụ tai nạn do bom, đạn gây ra, cả trước mắt và lâu dài, việc nâng cao nhận thức, kiến thức phòng tránh bom mìn, vật nổ cho người dân là hết sức quan trọng và cấp thiết. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn, vật nổ cùng nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là với trẻ em về hậu quả bom mìn, vật liệu nổ.

Tuy nhiên, không ít đơn vị, địa phương chưa chú trọng vấn đề này. Để giảm bớt tai nạn, thương tích, các ngành, địa phương cần tích cực, chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, cảnh báo, phòng tránh đến từng gia đình, người dân, học sinh trong các trường học… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đại lý thu mua phế liệu chiến tranh phân loại, thu gom các loại vật liệu nổ nguy hiểm lẫn trong phế liệu và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Cùng với đó, các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép bom mìn, vật nổ cần phải được điều tra, xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
 

Theo CA Đà Nẵng