Chuyển CQĐT xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng

Cụ thể, trong công tác thanh tra đã tập trung thúc đẩy tiến độ ban hành kết luận thanh tra; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực các cấp. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất; tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo (KNTC), dư luận xã hội quan tâm.

Cụ thể, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.744 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 nghìn tỉ đồng, 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 188,6 tỉ và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý hơn 69 nghìn tỉ đồng, 451 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 6,4 nghìn tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển CQĐT xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.

Thực hiện đôn đốc, xử lý sau thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 2,3 nghìn tỉ đồng, hơn 32,5 nghìn ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển CQĐT 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt 72,6%).

Gần 363 nghìn lượt người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong năm, có 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 396.590 người (tăng 3,7% so với năm 2022) về 300.297 vụ việc (tăng 5,4% so với năm 2022), có 3.532 đoàn đông người (tăng 16,5% so với năm 2022).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh với một số hộ dân ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh hoạ)

Riêng Thanh tra Chính phủ tiếp nhận 13.597 đơn (tăng 12,5% so với năm 2022), đã xử lý 13.597 đơn, trong đó có 5.777 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 42,5%. Qua xử lý đơn, đã phát hành văn bản hướng dẫn công dân và chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát 43 vụ việc KNTC.

Giải quyết 23.735/26.863 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 88,4%. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 59,4 tỉ đồng, 0,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 190,8 tỉ đồng, 9,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 28 tổ chức, 1096 cá nhân; kiến nghị xử lý 497 người (trong đó có 438 cán bộ, công chức); chuyển CQĐT xử lý 45 vụ, 35 đối tượng (trong đó có 13 cán bộ, công chức). 

Qua theo dõi tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, trong năm 2023 chỉ có 20/74 (27%) vụ việc công dân còn tiếp khiếu tại Trụ sở Tiếp công dân. Tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người tại trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giảm rõ rệt và được kiểm soát.

Phát hiện 114 vụ việc tham nhũng, 176 người

Trong công tác PCTN, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN, đã tổ chức 68,283 lớp cho 4.775.385 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; xuất bản 775.750 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN; ban hành mới 18.420 văn bản để thực hiện Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 390 văn bản, bãi bỏ 153 văn bản không phù hợp. 

Các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 27.878  cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 42 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 42 người.

Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 114 vụ việc, 176 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết KNTC phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.

Năm 2024, Thanh tra Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm đó là triển khai hiệu quả Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý; khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra TNTC, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm; triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết KNTC; tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực…

 

P.V