Đấu tranh không có vùng cấm

Ngay khi bắt đầu năm công tác, Phòng 3 VKSND TP Hải Phòng luôn xác định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hàng đầu, luôn đặt mục tiêu đấu tranh không khoan nhượng đối với các loại tội phạm liên quan đến tham nhũng, chức vụ. Bằng sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đơn vị đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh đó, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố Hải Phòng, quyết tâm loại trừ hết các đảng viên suy thoái về đạo đức cách mạng ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Trong đó, phải kể đến một số vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đơn vị đã kiểm sát điều tra như: Vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện An Dương); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bổ sung từ vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đình Vũ…

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hải Phòng thực hành quyền công tố tại phiên tòa xử cựu Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền.

Đặc biệt, một số vụ án đã khởi tố, điều tra, xét xử đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong các vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại các đơn vị: Chi cục Thuế huyện Thuỷ Nguyên và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; vụ Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại UBND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng hay mới đây nhất là vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Trung tâm sát hạch lái xe thuộc Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II… và đang tiếp tục phối hợp xác minh, điều tra để xử lý những vụ việc đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ việc tiêu cực xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố Hải Phòng; vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế thành phố Hải Phòng và Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng trong việc mua kit xét nghiệm COVID -19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á… kiên quyết xử lý triệt để, “không có vùng cấm”, “ không có ngoại lệ” không làm oan sai và đặc biệt không để lọt những “con sâu mọt” ngày đêm đục khoét thành quả cách mạng của nhân dân.

Ngoài nhiệm vụ trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đơn vị còn thực hiện chức năng hướng dẫn nghiệp vụ cho các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. Điển hình là vụ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trường THCS Hồng Phong (huyện An Dương) và UNBD xã Quốc Tuấn (huyện An Dương); vụ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) và nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Viện kiểm sát là cơ quan tư pháp, nắm trong tay quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thừa hành quyền lực nhà nước trong việc tiến hành tố tụng. Như vậy, khi trong tay nắm quyền lực thì việc xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu nhân dân là điều có thể xảy ra, thậm chí có nơi, có chỗ coi công tác tiến hành tố tụng là mảnh đất màu mỡ để “chấm mút”.

Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Với tinh thần đó, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy cơ quan và Lãnh đạo VKSND TP Hải Phòng, Thủ trưởng đơn vị luôn quán triệt đến toàn thể công chức, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm, cam kết chống các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, luôn trau dồi đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo VKSND TP Hải Phòng họp án tại đơn vị.

Khi giải quyết vụ án hình sự, các Kiểm sát viên luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, luôn đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai và không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Khi lượng hình, đề xuất mức hình phạt, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật còn cần phải căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể của bị cáo và các tình tiết khác có liên quan để quyết định. Đó chính là triết lý cái “tình” và cái “lý” trong văn hóa của người Việt Nam ta từ ngàn đời.

Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cho bị cáo trong các vụ án hình sự rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng đưa hối lộ để “chạy án” hoặc lợi dụng quyền lực tư pháp Nhà nước trao cho để hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân khi giải quyết án đã xảy ra tại một số địa phương. Một số cán bộ thuộc các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án ở các địa phương khác đã bị bắt, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trên. Trước thực trạng này, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã quán triệt ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nghiêm Chỉ thị 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị, Quy chế 599 ngày 6/12/2019 về báo cáo, thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân và các Quy chế nghiệp vụ khi đề xuất mức hình phạt, đảm bảo hình phạt luôn tương xứng với hành vi phạm tội, làm cho bản án được ban hành “có lý, có tình”.

Đồng chí Bùi Đăng Dung - Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng: Kiên quyết xử lý nghiêm với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò chính trong vụ án

Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng quán triệt đến toàn thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Tổng Bí thư trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng: kiên quyết không để xảy ra việc “quan xử nhẹ, dân xử nặng”; không để xảy ra việc tiêu cực để xử nhẹ đối với người phạm tội “nặng” hoặc xử "nặng" đối với những người phạm tội “nhẹ” để sách nhiễu nhân dân. Lãnh đạo VKSND thành phố cũng quán triệt ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao khi xử lý tội phạm tham nhũng: phải phân hoá vai trò của các đối tượng để áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm xã hội do hành vi phạm tội gây ra. Kiên quyết xử lý nghiêm với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò chính trong vụ án để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung; áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với các đối tượng giúp sức, vai trò thứ yếu trong vụ án hoặc người có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình công tác. Từ đó, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Ngành, tôn vinh nét đẹp người cán bộ Kiểm sát nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào ngành Kiểm sát cũng như nền tư pháp nước nhà và để xứng đáng với 10 chữ vàng 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.


Vũ Thành Lê