"Năm lần bảy lượt" điều chỉnh và gia hạn
Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương ngày 1/2/2019; Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành năm 2021. Mặc dù đã được điều chỉnh nhiều lần và gia hạn thời gian hoàn thành, nhưng đến nay, dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hoá vẫn nằm "án binh bất động", chưa có dấu hiệu của việc triển khai thi công. Hiện một số hộ dân vẫn tận dụng đất trong khu vực dự án để canh tác hoa màu, tuy nhiên hầu hết diện tích bỏ hoang. UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để sớm khởi công xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ .
    |
 |
Dự án qua nhiều lần gia hạn, điều chỉnh vẫn chỉ là "bãi đất trống". |
Tuy nhiên do nhiều vướng mắc, dự án không thể thực hiện đúng tiến độ nên ngày 29/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (lần 1), dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 3/2023.
Đến ngày 9/6/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nói trên (lần 2). Theo đó, thời hạn hoàn thành, đưa vào sử hoạt động chậm nhất trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được nhà nước bàn giao đất.
Không như kỳ vọng, đến ngày 17/8/2023, một lần nữa dự án tiếp tục được điều chỉnh. Trong lần điều chỉnh này nêu rõ, dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo các cấp học từ mầm non đến sau đại học, dạy nghề đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Quy mô đầu tư với dự án xây dựng mới hệ thống các khu vực gồm: Trường mầm non và phổ thông với tổng diện tích là 127.243,54 m2; trường đại học và cao đẳng với tổng diện tích là 272.296,60 m2; các công trình tiện ích giáo dục với tổng diện tích là 327.759,39 m2; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, cây xanh cách ly và tường rào với tổng diện tích là 105.861,72 m2. Công suất thiết kế tối đa khoảng 752 lớp học và 18.750 học sinh.
Mới đây nhất, ngày 8/10/2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tiếp tục có Quyết định gia hạn đối với dự án nói trên. Quyết định được ban hành dựa trên đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho phép dự án tiếp tục kéo dài đến hết ngày 30/6/2025. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Thanh Hóa phải gia hạn.
    |
 |
Người dân lo lắng, xót xa khi thấy diện tích lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm qua. |
Chính quyền và người dân lo lắng
Với việc nhiều lần điều chỉnh và gia hạn đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người dân địa phương, đặc biệt là những hộ gia đình có đất nằm trong khu vực dự án. Kể từ khi diện tích đất nông nghiệp tại phường Quảng Tâm và Quảng Phú bị thu hồi để phục vụ cho việc phát triển dự án, đến nay, các khu đất này vẫn bị bỏ hoang. Người dân, trước đây sống dựa vào nông nghiệp, đã mất đi nguồn thu nhập chính từ canh tác, nhiều người vẫn chưa thể chuyển đổi sang một công việc mới, nhất là những người đã lớn tuổi.
Ông Nguyễn Trọng Nga, Trưởng khu phố 4, phường Quảng Phú, TP Thanh Hoá phàn nàn: “Không hiểu sao dự án nằm đó bao năm nay, đã trải qua 6 vụ lúa của bà con mà vẫn không thể triển khai, chúng tôi không biết kêu ai. Gia đình tôi có gần 2.000 m2 đất lúa nằm trong dự án, tính ra cũng thất thu khoảng 50 triệu đồng từ diện tích đất này. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề lớn, bài toán nan giải ở chỗ, lao động dư thừa, không có công ăn việc làm, nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong gia đình và xã hội. Chỉ tính riêng khu phố này đã có hàng trăm lao động mất việc, đời sống không ổn định. Qua những cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần bày tỏ mong mỏi dự án sớm được triển khai như kỳ vọng để ổn định tình hình tại địa phương.”
    |
 |
Ông Hoàng Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, TP Thanh Hoá. |
Ông Hoàng Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, TP Thanh Hoá cho biết: "Từ khi dự án được chấp thuận, chính quyền địa phương và nhân dân vô cùng phấn khởi, kỳ vọng về bức tranh phát triển của cả một vùng quê. Để ủng hộ dự án, chúng tôi đã phải ngày đêm đi vận động người dân, thậm chí phải cưỡng chế 21 hộ có đất nằm trong dự án để có thể bàn giao đất sớm nhất phục vụ triển khai dự án."
"Công tác giải phóng mặt bằng tại Quảng Phú đã thực hiện xong từ năm 2022, nhưng không biết vướng mắc ở khâu nào mà đến giờ dự án vẫn chưa thể thực hiện. Bốn năm qua, bà con nông dân thì thiếu đất canh tác nhưng diện tích lớn đất nông nghiệp lại bỏ không, rất lãng phí tài nguyên. Nếu dự án được triển khai đúng tiến độ, các khoản thu từ thuế đất đai, xây dựng và các hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan sẽ tạo ra nguồn thu không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.”- ông Thanh nhấn mạnh.
Tương tự Quảng Phú, được biết, ngày 3/3/2025 UBND phường Quảng Tâm cũng đã có báo cáo về việc rà soát các dự án, công trình có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trên địa bàn. Theo đó, UBND phường cũng đã báo cáo cấp thành phố về Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa. Theo UBND phường Quảng Tâm, từ năm 2021 đến hết năm 2022, UBND phường đã phối hợp với UBND Thành phố Thanh Hóa đã tiến hành kiểm kê, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án xong phần trong mốc với diện tích 45 ha. Đến nay, dự án vẫn đang dang dở chưa thực hiện, gây lãng phí về tài nguyên đất, đề nghị UBND TP Thanh Hoá đôn đốc nhà thầu sớm thự hiện dự án.
Việc lần nữa phải điều chỉnh và gia hạn đối với Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa khiến người dân và chính quyền không chỉ lo ngại về bài toán lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách mà còn hoài nghi về khả năng thực hiện của chủ đầu tư.