Quy định số 69 quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng). 

Trường hợp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nội dung chưa nêu trong Quy định này thì căn cứ vào Ðiều lệ và các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, Ðiều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để xử lý kỷ luật cho phù hợp với Quy định này.

Các nguyên tắc trong xử lý kỷ luật

Quy định số 69 nêu rõ các nguyên tắc cơ bản trong xử lý kỷ luật. Trong đó, tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Ðảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. 

Thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Ðảng. 

Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần. 

Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. 

Ðảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định. 

Ðảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Ðảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Ðảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung tính chất mức độ hậu quả nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Ðảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. 

Ðảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan bảo vệ pháp luật thi hành kỷ luật, khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải quyết định thi hành kỷ luật về Ðảng.

Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên phải bị kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.

Ðảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.

Không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Ðảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.

Những trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật

Quy định số 69 cũng quy định cụ thể đối với 6 trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật.

Cụ thể, đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật.

Đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khỏe ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật.

Đảng viên vi phạm đã qua đời thì tổ chức đảng xem xét, kết luận nhưng không quyết định kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.

Quy định số 69 cũng nêu rõ về thời hiệu kỷ luật. Theo đó, thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Ngoài ra, Quy định số 69-QÐ/TW quy định về hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán; đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ; đối với đảng viên dự bị gồm: Khiển trách, cảnh cáo.

Quy định số 69 gồm 4 chương, 58 điều. Quy định này thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; có hiệu lực từ ngày 6/7/2022 và được phổ biến đến chi bộ.

P.V