UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) TP Hà Nội. Kế hoạch nhằm mục đích cụ thể hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm từng bước đẩy lùi tham nhũng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
Bên cạnh đó, Kế hoạch đề cập đến 7 nội dung đó là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong công tác PCTN, TC. Xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ trọng tâm, các sở, ngành địa phương, đặc biệt là người đứng đầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về PCTN,TC; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí…; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính.
 
Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, triệt để các hành vi, vụ việc tham nhũng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị theo quy định.
 
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC có trọng tâm, trọng điểm, dưới nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng để nâng cao sự hiểu biết, ý thức pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, TC, tăng cường công tác cải cách hành chính.
leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại một đơn vị. (Ảnh minh hoạ)
 
Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCTN, TC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Mua sắm trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế; tài sản công, quy hoạch, đất đai.., lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt...
 
Các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội gần đây như y tế, giáo dục, hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
 
Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; khi có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra; đã kết luận có hành vi phạm tội thì phải truy tố xét xử nghiêm minh, kịp thời, công khai, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, có cơ chế giải quyết, xử lý nhanh các tài sản liên quan đến tham nhũng.
 
Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính và các cơ quan tố tụng trong công tác PCTN, TC. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý đối với các hành vi, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
 
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp số 01/QC-LNTP ngày 21/4/2017 về phối hợp giữa các cơ quan Viện kiểm sát - Công an - Tòa án - Thanh tra - Sở Xây dựng - Sở Tài nguyên và Môi trường - Cục Hải quan - Cục Thuế - Chi cục Quản lý thị trường - Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn TP Hà Nội.
 
Ngoài ra, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thành phố trong công tác PCTN, tiêu cực.
P.V