Chúng ta coi căn bệnh tham nhũng giống như là một căn bệnh nguy hiểm của xã hội. Nó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ… Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng từ sau Nghị quyết Trung ương 4 đến nay và vai trò của người đứng đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng.

Tham nhũng như một căn bệnh nguy hiểm
leftcenterrightdel
Ông Đỗ Đức Hồng Hà tại nghị trường Quốc hội

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng từ sau Nghị quyết Trung ương 4 đến nay? Người dân có vai trò như thế nào trong việc tham gia góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng?

- Có thể nói là công tác phòng chống tham nhũng của Đảng từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 đến nay có nhiều đột phá, chuyển biến theo hướng rất tích cực. Chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tham nhũng là rất sáng suốt, rất quyết liệt, tạo sự chuyển động của toàn xã hội và quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Rất nhiều vụ án tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua đã được điều tra, truy tố, xét xử, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân lựa cũng xong”. Trong tất cả các hoạt động, các công việc của Nhà nước đều đòi hỏi phải có sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng. Đây là một trong những nhóm hành vi vi phạm pháp luật và được coi là do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, có tính tinh vi, xảo quyệt, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội lại khó bị phát hiện, khó bị điều tra, khó bị xử lý. Cho nên, nếu không có sự tham gia của người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng thì rất khó cho các cơ quan có trách nhiệm phòng chống tham nhũng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng.

- Thực tế là đã có hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng. Theo ông, đây là sự quyết tâm rất cao của Đảng để bảo vệ sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ?


- Điều đó hoàn toàn chính xác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đã bắt được bệnh, đã có thuốc...”. Nhưng quan trọng cho con bệnh uống thuốc như thế nào? liều lượng ra sao? Bởi vì nói đến căn bệnh tức là nói đến thuốc chữa, nói đến người điều trị. Riêng con bệnh “tham nhũng” thì không con bệnh nào muốn uống thuốc hoặc tự nguyện uống thuốc. Bởi nếu uống sẽ mất chức, mất quyền… Chúng ta coi tham nhũng giống như là một căn bệnh nguy hiểm của xã hội. Nó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Nếu chúng ta không loại trừ, ngăn chặn được tham nhũng thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đảng, Nhà nước và chế độ. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải quyết tâm loại bỏ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội.

Không có vùng cấm để “hạ cánh” an toàn

- Người tham nhũng thường là những người có chức, có quyền, có mối quan hệ. Vậy, làm thế nào để xử lý dứt điểm được các vụ việc, vụ án tham nhũng?


- Để xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng thì điều quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Nếu như cả xã hội chúng ta đều có sự đồng lòng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì nó như sức mạnh cuốn trôi những hành vi tham nhũng. Ngoài ra, phải có sự quyết tâm từ trên xuống dưới, từ người đứng đầu, từ những người cao nhất của Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua. Những vụ án tham nhũng, từ sự phát hiện của người dân đến sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, cho nên là không có vùng cấm, không có những người được hạ cánh an toàn. Bất cứ ai ở bất cứ cương vị gì phạm tội tham nhũng đều bị đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm minh.

- Với tư cách là người làm việc trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vậy ông có hiến kế gì trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?


- Giải pháp quan trọng nhất để đấu tranh phòng chống tham nhũng, đó chính là vấn đề về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là những người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu mà không trong sáng thì không tạo được động lực, không tạo được lòng tin của nhân dân. Bằng chứng cho thấy, những kết quả chúng ta đạt được trong công cuộc chống tham nhũng từ sau Nghị quyết Trung ương 4 đang dần chuyển mạnh, đặc biệt nổi bật là hàng loạt các vụ trọng án lớn như Bầu Kiên, Dương Chí Dũng, rồi lớn hơn cả là người từng giữ chức vụ cao nhất như Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Có thể nói, kết quả đạt được năm 2017 là sự quyết tâm cao của Đảng, của người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này đã lấy lại lòng tin trong nhân dân. 

Giải pháp thứ 2 là phải tạo ra sự đồng thuận và sự ủng hộ của nhân dân. Giải pháp thứ 3 là chúng ta phải có một hệ thống pháp luật hoàn hiện. Nhất là, Luật phòng chống tham nhũng mà Quốc hội đang tập trung để sửa đổi, trong đó đưa ra nhiều  giải pháp để phòng ngừa, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng. Giải pháp cuối cùng là chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục, nhất là giáo dục về đạo đức, văn hóa, lối sống trong toàn thể nhân dân. Chỉ khi nào tất cả mọi người đều sống có đạo đức, có kỷ luật thì lúc đó chúng ta mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng.

- Vai trò của Quốc hội trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Vai trò của Quốc hội trong cuộc chống tham nhũng thể hiện rất rõ. Thứ nhất, trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, bằng sự đoàn kết đưa ra Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trong thời gian tới để có được những giải pháp hiệu quả nhất trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vai trò thứ hai rất quan trọng của Quốc hội, đó là vai trò giám sát. Quốc hội sẽ thực hiện việc giám sát chính sách pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng. Qua hoạt động giám sát, xác định trách nhiệm của những người có liên quan đến tham nhũng. Trên cơ sở giám sát để tìm ra những bất cập trong chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi. Thứ ba, Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề về nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, những nhân sự cấp cao có đức, có tài góp phần rất cao trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Thu Hương (thực hiện)