Nhiều tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra
Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kết luận việc thực hiện pháp luật về thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh trong năm 2022, 2023.
    |
 |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. |
Theo nội dung kết luận, trong hai năm 2022 và 2023, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk triển khai 23 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, Sở cũng đã thực hiện thanh tra các kỳ thi quan trọng như: thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại trong việc tổ chức và thực hiện kế hoạch thanh tra của ngành Giáo dục địa phương. Cụ thể, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT chưa trình kế hoạch thanh tra đúng thời gian quy định. Hồ sơ của 4/23 đoàn thanh tra không đầy đủ, trong đó có việc thiếu hồ sơ đề xuất thành lập đoàn, nhật ký hoạt động không đúng mẫu, không có thông báo kết thúc thanh tra bằng văn bản cho đối tượng thanh tra.
Đối với công tác tiếp công dân, trong năm 2022 và 2023, không có công dân nào đến khiếu nại trùng với lịch tiếp công dân. Qua kiểm tra, sở không thông báo lịch tiếp công dân hàng tháng, thiếu tổng cộng 24 kỳ.
Trong 2 năm, Sở tiếp nhận 70 đơn, trong đó có 1 đơn khiếu nại và 15 đơn tố cáo, còn lại đơn kiến nghị phản ánh. Trong đó, chỉ có 23 đơn đủ điều kiện xem xét. Tuy nhiên, trình tự, thủ túc giải quyết nhiều vụ chưa đầy đủ, không ban hành thông báo kết luận cho người tố cáo.
Cũng theo nội dung kết luận, trong năm 2022, Sở GD&ĐT đã phát hiện, xử lý một trường hợp tham nhũng là ông Nguyễn Văn N., giáo viên tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Ông N. bị xử phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Đáng nói, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 27/7/2022), nhưng ngày 13/10/2023, Giám đốc Sở GD&ĐT mới ban hành quyết định buộc thôi việc đối với ông N. kể từ ngày 15/10/2023 là chưa đúng thời gian theo quy định tại Điều 57 Luật Viên chức năm 2010.
Chi sai chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo hơn 12 tỉ đồng
Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách, Sở GD&ĐT giao dự toán vượt quá 5% kinh phí chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo cho 14 trường học không thuộc địa bàn các xã miền núi, theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền chi sai trên 12,3 tỉ đồng, vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2006 ngày 23/1/2006 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
    |
 |
Sở GD&ĐT giao dự toán vượt quá 5% kinh phí chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo cho 14 trường học không thuộc địa bàn các xã miền núi. |
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, khuyết điểm, tồn tại nêu trên thuộc về Giám đốc Sở GD&ĐT; Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính trong việc giao dự toán và thẩm tra.xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với các trường học trực thuộc Sở (thời kỳ 2021-2024); Giám đốc Sở Tài chính và các cá nhân liên quan trong việc thảo luận dự toán, thẩm định quyết toàn ngân sách nhà nước tại Sở GD&ĐT (thời kỳ 2021-2024).
Chưa hết, Sở GD&ĐT còn cấp thiếu 5% chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo đối với Trường THPT Trần Phú (xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột), thuộc khu vực xã miền núi. Số tiền cấp thiếu từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2024 lên tới hơn 956,7 triệu đồng. Điều này đã vi phạm Thông tư liên tịch số 01/2006 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ tài chính.
Từ tháng 6/2019 đến tháng 10/2024, Sở GD&ĐT đã chi thanh toán chế độ phụ cấp ưu đãi cho các giáo viên dạy hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập chưa được chuyển, xếp lương vào các ngạch hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo, với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.
Sau khi xem xét giải trình của Sở GD&ĐT cho thấy, một số bộ môn chưa tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đủ điểm trúng tuyển nên Sở phải hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao để đảm bảo việc dạy và học của nhà trường. Do đó, Sở GD&ĐT giao thêm dự toán phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên dạy hợp đồng, đồng thời số giáo này chưa được tuyển dụng viên chức nên không thể xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Hiện nay, số giáo viên dạy hợp đồng đã nghỉ việc hoặc chuyển đi khỏi địa phương nên Thanh tra tỉnh không thu hồi số tiền này.
Sở GD&ĐT còn chi thanh toán tiền thẩm định việc lựa chọn sách giáo khoa cho Hội đồng cấp tỉnh năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024 trong cơ sở giáo dục phổ thông khi chưa có Nghị quyết HĐND tỉnh về nội dung chi và định mức chi, với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng... Tuy nhiên, mức chi trên là thấp hơn định mức chi theo Thông tư số 51 ngày 15/8/2019 của Bộ Tài chính và thực tế đã chi cho con người, mặt khác hiện nay việc lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng cơ sở giáo dục thực hiện nên Thanh tra tỉnh không thu hồi số tiền này, đề nghị Sở GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn lập dự toán tính thừa khối lượng, định mức, đơn vật giá của một số hạng mục sửa chữa, dẫn đến chủ đầu tư quyết toán vượt quy định số tiền gần 164 triệu đồng. Bên cạnh đó, thanh quyết toán chi phí tư vấn sai quy định đối với công trình sửa chữa có dự toán dưới 500 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước giao, với số tiền hơn 2 tỉ đồng là không đúng quy định tại Thông tư 14 ngày 8/9/2021 của Bộ Xây dựng.
Trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng nêu trên thuộc về Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Hiệu trưởng, kế toán các trường và các tổ chức liên quan.
Trên cơ sở kết luận nói trên, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm thu hồi kịp thời hơn 12,3 tỉ đồng do chi sai chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị thu hồi và nộp số tiền chi sai quy định trong sửa chữa và tư vấn công trình, tổng cộng trên 2,2 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước./.