Tham nhũng là người có chức, có quyền thực hiện, trừ nhân dân

leftcenterrightdel
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang)

 Phát biểu tại hội trường Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang cho rằng: Việc của chúng ta là ban hành luật, sửa luật, ban hành nhiều văn bản dưới luật để phòng, chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng là do con người, người có chức, có quyền thực hiện, trừ nhân dân. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được. Nhưng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định. Muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức người cán bộ là quan trọng hàng đầu.

Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách. Nhiều nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm vẫn có kẽ hở, nên cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Đồng ý pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn.

Hãy lắng nghe lời ca thán của cử tri qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có "giá" cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế. Đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. ĐBQH Nguyễn Minh Sơn tha thiết!

Theo cảm nhận của ĐB Sơn, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa thể hiện rõ. Vì theo ĐB, dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái, như tại kỳ họp này, có đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy. “Theo tôi, vậy cái đó là cái gì?”- ĐB Sơn đặt vấn đề!

Khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc tài sản

leftcenterrightdel
 ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình)

Đề cao việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Thái Bình nêu ra 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua, gồm: vụ Dương Chí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng 100 tỷ/5.000 tỷ đồng. Khả năng thi hành để đạt kết quả là rất khó khăn.

Theo ĐB, có những nguyên nhân cơ bản sau: Việc kê biên, phong tỏa tài sản cũng chưa nhiều so với tổng số tiền mà các bị cáo trong các vụ án này phải bồi thường. Tài sản kê biên chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên. Tài sản kê biên có tranh chấp lại phải nhờ, phải chờ Tòa án giải quyết xong mới giải quyết được việc kê biên tài sản. Tài sản liên quan đến quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương cũng phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương mới có phương án giải quyết cụ thể. Tài sản kê biên được tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, lại phải tiến hành hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được, thực tế, có những vụ phải hạ giá tới lần thứ năm.

Từ thực tế trên, trong công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức, nhất là về bất động sản (nhà đất) còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong xử lý thi hành án nói riêng cũng như trong công tác quản lý Nhà nước nói chung. Quốc hội cũng đang sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung xử lý tài sản tăng thêm mà người kê khai không giải trình được, đến nay Quốc hội cũng chưa có được đồng thuận cao một trong phương án của Chính phủ trình. Nguyên nhân chính cũng là công tác quản lý tài sản của công dân chưa được chặt chẽ, đầy đủ, thiếu cơ chế quản lý, rất khó khăn trong việc xác minh, chứng minh nguồn gốc tài sản.

Trước những vướng mắc nêu trên, ĐBQH kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục và thực hiện một số nội dung như: Ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản. Mục tiêu chính không phải là để thu cho ngân sách mà làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ bất động sản, nhà đất, chống đầu cơ về bất động sản, tạo thị trường bất động sản lành mạnh, trung thực, đúng giá thị trường, làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế chính sách như bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Thực hiện nghiêm túc, triệt để việc thanh toán trong giao dịch kinh tế dân sự không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định để bảo đảm an toàn, quản lý chặt chẽ các giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, tiết kiệm việc in tiền mặt. Thực hiện nghiêm túc việc mua bán hàng hóa có hóa đơn, thanh, quyết toán thuế công khai, minh bạch. Tài sản, hàng hóa được lưu giữ hóa đơn, chứng từ, tạo thói quen sử dụng hóa đơn, chứng từ trong nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý về đất đai, tài sản, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, tài sản, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về nhà đất hoàn chỉnh, kết nối sử dụng trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp.

Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc

leftcenterrightdel
ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc)

Bức xúc trước thực trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại, ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng: Trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ nêu ra việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng  này, mà chưa nêu rõ tình hình tham nhũng vặt và kết quả thực hiện việc phòng, chống tham nhũng vặt trên thực tế. Trong thời gian chưa có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác ngăn chặn hiện tượng tham nhũng vặt được thực hiện như thế nào? Có hiệu quả hay không?

Có thể nhận thấy, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.

 Hành vi tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan Nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân./.

Xuân Hưng