leftcenterrightdel
 

Trong dự thảo mới nhất vẫn đề nghị, mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay.

Theo đó, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước, người giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước; người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐB HĐND như dự thảo trình ra QH tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, dự thảo còn được chỉnh ý theo hướng mở rộng đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan công an nhân dân.

Trước đó, khi cho ý kiến vào dự án luật sửa đổi, một số ý kiến đề nghị, thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

Một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua là do quy định của luật hiện hành về phương thức, biện pháp kê khai chưa phù hợp.

Đó là, mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau, trong khi số đối tượng phải kê khai là rất lớn.

Biến động tài sản 300 triệu đồng/năm trở lên mới kê khai bổ sung

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cũng như nhằm kiểm soát chặt chẽ, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Cụ thể, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao mới phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm (mức này tương ứng với mức kiểm soát giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chống rửa tiền).

Dự thảo luật cũng quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ; đồng thời bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...

Các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong PCTN.

Một vấn đề nữa, dự thảo luật không quy định cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai tài sản của cả bố, mẹ, con đã thành niên. Vì bố, mẹ, con đã thành niên của người có nghĩa vụ kê khai là các chủ thể độc lập, có đủ năng lực hành vi dân sự nên họ có toàn quyền định đoạt, sử dụng, giữ bí mật về tài sản, thu nhập của mình.

Người có nghĩa vụ kê khai có thể không biết được người thân thích của họ có tài sản gì, nên cũng không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về việc kê khai không đúng, không đầy đủ tài sản của người thân thích. Luật PCTN hiện hành cũng không quy định nội dung này.

Theo thanhtra.com.vn