PV: Thưa Tiến sỹ, ông có thể đánh giá khái quát tình hình, kết quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua?

TS. Dương Thanh Biểu: Thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nhiều tập thể và cá nhân đã bị kỷ luật nghiêm khắc, có người bị cách hết các chức vụ, trong đó có nhiều người nguyên là cán bộ cấp cao trong các cơ quan Trung ương và có những người nắm giữ những vị trí quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. So với trước đây, những vụ án tham nhũng được đưa ra truy tố, xét xử ngày càng nhiều, trong đó có những vụ “đại án” mà nhân dân đặc biệt quan tâm. Điều đáng chú ý, trong đó có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao của Nhà nước và của các doanh nghiệp quan trọng của Nhà nước phải ra hầu tòa và chịu phán quyết của pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, nguyên một Uỷ viên Bộ Chính trị phải ra hầu tòa và chịu phán quyết của Tòa án về hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay của Đảng, Nhà nước ta đang bước vào thời kỳ quyết liệt và đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được các cơ quan tố tụng đưa ra ra xét xử, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành KSND. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng gặp không ít khó khăn bởi tội phạm tham nhũng hiện nay đang “thiên biến vạn hóa”, khó lường.

Điều đó nói lên quyết tâm rất cao và thái độ kiên quyết của đồng chí Tổng Bí thư và Trung ương trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần là “không có vùng cấm”. Những vụ “đại án” được đưa ra xét xử công khai, dân chủ, nghiêm minh, có tác dụng lấy lại niềm tin của người dân. Nhân dân cả nước rất phấn khởi trước kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ giành được nhiều kết quả to lớn hơn nữa. Đây cũng là cơ sở, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh cam go và phức tạp với tội phạm tham nhũng và lạm dụng quyền lực, góp phần làm trong sạch nội bộ, tạo điều kiện để đất nước phát triển.

leftcenterrightdel
 TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về những vụ án nổi cộm được đưa ra xét xử thời gian vừa qua?

TS. Dương Thanh Biểu: Thông qua những vụ án đã được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy: 

Thứ nhất, những bị cáo phạm tội tham nhũng bị đưa ra xét xử thời gian qua phần lớn giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp lớn, quan trọng của đất nước. Các đối tượng đã dùng mọi mánh khóe để chạy chọt, luồn lách, chui sâu, leo cao và khi đã nắm giữ các chức vụ quan trọng thì móc nối nhau, lạm dụng quyền lực để vơ vét tài sản của Nhà nước. Cho nên, đấu tranh với loại tội phạm này rất cam go và quyết liệt. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi vừa phải có quyết tâm cao, vừa phải kiên trì với thái độ phải kiên quyết.

Thứ hai, từ các vụ án đã xét xử thời gian qua cho ta nhận định: Bọn tội phạm tham nhũng đã móc nối nhau, triệt để lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý và sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong đó, đáng chú ý là những yếu kém, sự buông lỏng trong công tác thanh tra, kiểm toán, quản lý ngành. Ví dụ, có vụ án mà trước khi phát hiện điều tra, đã có nhiều cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được sai phạm. Cho nên, để vi phạm kéo dài và gây hậu quả càng nghiêm trọng.

Thứ ba, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, các cơ quan tư pháp đã phối hợp kịp thời nên những vụ việc, nhất là các vụ “đại án” được điều tra, truy tố và xét xử đạt những yêu cầu đề ra. Việc đưa những vụ án tham nhũng ra xét xử công khai trong thời gian qua đã tạo niềm tin của nhân dân về sự chỉ đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

PV: Trong những vụ án lớn đó, vai trò của cơ quan kiểm sát được thể hiện như thế nào, thưa ông?

TS. Dương Thanh Biểu: Kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua có sự đóng góp rất lớn của ngành Kiểm sát. VKSND tối cao và Viện kiểm sát các địa phương đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương. Nhìn chung, các vụ án tham nhũng được xét xử trong thời gian qua cho thấy vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên được nâng cao, nhất là trong công tác kiểm sát điều tra thu thập chứng cứ và thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Việc Viện kiểm sát cấp trên cử các Kiểm sát viên đã thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án trực tiếp về Viện kiểm sát địa phương để tham gia phiên tòa là cải tiến tốt về công tác chỉ đạo điều hành. Thực hiện nhiệm vụ này, bảo đảm cho các Kiểm sát viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hành quyền công tố, đồng thời bảo đảm cho các Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ, chứng cứ để tranh luận dân chủ, công khai tại phiên tòa.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lê Sử (thực hiện)