Chặn dòng "cấu kết" công tư
Cập nhật lúc 17:54, Thứ ba, 05/06/2018 (GMT+7)
Nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, nhằm huy động các nguồn lực đóng góp và tối đa hóa lợi ích của mỗi bên thì đó là sự hợp tác theo hướng tích cực. Nhưng, nếu hợp tác theo kiểu “sân sau”, “công tơ phụ”, “nhóm lợi ích”… để tài sản công chảy vào túi tư nhân thì cần phải có cơ chế để ngăn chặn, đẩy lùi.
Một giải pháp bao trùm đang được đưa ra, đó là sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng (đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4). Tại đây, có hai luồng ý kiến. Một là, mở rộng đối tượng điều chỉnh sang khu vực tư nhân thì nguy cơ không đủ nguồn lực, nguy cơ lạm quyền/doanh nghiệp tư bị nhũng nhiễu, làm phiền. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, trong xu thế cổ phần hóa, hợp tác công tư ngày càng mở rộng thì Luật phòng, chống tham nhũng điều chỉnh sang khu vực tư nhân là cần thiết và cần có chế tài cụ thể.
Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng cho thấy, trên thực tế đã xuất hiện nhiều hành vi của đại diện doanh nghiệp tư nhân vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu cho doanh nghiệp của mình mà thực hiện hành vi đưa hối lộ người có chức vụ, quyền hạn.
Tham nhũng trong lĩnh vực tư xảy ra trên nhiều lĩnh vực như: Cung cấp dịch vụ điện nước, kết cấu hạ tầng, cho thuê mặt bằng, đặc biệt là trong quan hệ tín dụng và cho vay. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại thoái hóa, biến chất được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán, thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát.
Cùng với đó, trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xuất hiện không ít tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đã để nhiều khu “đất vàng”, “đất kim cương” rơi vào tay tư nhân, địa tô chênh lệch từ các khu đất có giá trị ấy chảy vào túi tư nhân, xuất hiện nhiều “đại gia đất” giàu lên nhanh chóng. Sơ hở trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và trong việc xác định giá trị doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây, thông qua hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được phơi bày ra ánh sáng. Trong đó, các đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ trong bộ máy nhà nước đã có lợi ích đan xen với khu vực tư nhân. Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm rõ: riêng về tội “Tham ô tài sản”, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã lập khống 4 hạng mục công trình tại Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Quảng Trạch 1. Trong đó đã thấy rõ “bàn tay” của đại diện khu vực tư (công ty TNHH Quỳnh Hoa) trong việc ký khống 4 hợp đồng để rút hơn 13 tỷ đồng chiếm hưởng cho các cá nhân…
Nói như Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc (đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An) thì “lĩnh vực công quan hệ rất mật thiết với lĩnh vực tư. Không ngăn chặn được khu vực tư thì không ngăn chặn được khu vực công tham nhũng. Luật sửa đổi phải làm thế nào để bịt được dòng thất thoát đó”.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội là phải bịt được dòng thất thoát công – tư. Nhưng, chúng tôi cho rằng cần phải dựng “hàng rào” ngăn việc thất thoát tài sản, tham nhũng từ khu vực công trước, vì đối tượng tham nhũng dứt khoát phải có sử dụng quyền lực công để thu được lợi ích cá nhân. Việc tuyển chọn, trao quyền lực công cho những người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị ở nước ta được quy định rất bài bản. Nếu làm tốt công tác tổ chức – cán bộ; ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy dự án…; nếu pháp luật quy định chặt chẽ để răn đe người có chức vụ, quyền hạn “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng” thì lúc đó khu vực tư khó “thò tay” vào để “cuỗm” được tiền của nhà nước, của nhân dân.
Thành Nam