Thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân và Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Hà Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quy chế thực hiện cải cách hành chính tư pháp với cơ chế một cửa trong công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND tỉnh Hà Nam.

leftcenterrightdel
Hội nghị trực tuyến tại VKSND Hà Nam (Ảnh: VKSND Hà Nam)

Nói về ý nghĩa của việc ban hành Quy chế này, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng: "Quy chế đã tạo ra cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, là một giải pháp hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân khi giải quyết công việc tại Viện kiểm sát".

Quy chế gồm 4 chương, 7 điều, quy định cụ thể về nguyên tắc, quy trình thực hiện quy chế một cửa, trách nhiệm của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả... Theo đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Phòng 12 VKSND tỉnh) là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính tư pháp để chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền giải quyết, đồng thời nhận, trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã gửi đơn.

Bên cạnh đó, những đơn khiếu nại, tố cáo do các phòng nghiệp vụ trực tiếp nhận hoặc nhận qua đường bưu điện đều phải đăng ký tại sổ thụ lý của phòng 12. Phòng có trách nhiệm nghiên cứu và tham mưu giúp Lãnh đạo Viện phân loại, chuyển đơn đến đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện, phòng có trách nhiệm chuyển đơn ngay đến các đơn vị có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi có kết quả giải quyết, các phòng nghiệp vụ phải chuyển kết quả đến phòng 12 để phòng trả kết quả cho công dân, tổ chức.

Để hạn chế việc giải quyết sót đơn của công dân, tổ chức cũng như để đảm bảo giải quyết đơn trong thời hạn luật định, quy chế quy định hàng tháng, phòng 12 và các phòng nghiệp vụ phải phối hợp rà soát kết quả thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đồng thời phòng 12 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và đôn đốc các phòng nghiệp vụ trong quá trình giải quyết đơn, đảm bảo việc giải quyết chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo thời hạn.

Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm, tác phong, thái độ ứng xử của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả như: phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; có tác phong, thái độ chuẩn mực, khả năng giao tiếp tốt; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp…

Quy chế đã tạo ra quy trình một cửa liên thông, khép kín trong công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, việc tiếp nhận và trả lời đơn đều tập trung về một đầu mối duy nhất là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Phòng 12 VKSND tỉnh), công dân, tổ chức khi đến khiếu nại, tố cáo tại Viện kiểm sát đều được cán bộ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn mọi thủ tục liên quan và hẹn trả kết quả theo đúng lịch, giúp cho công dân, tổ chức dễ dàng liên hệ, tiết kiệm thời gian, loại bỏ những thủ tục rườm rà và nhận kết quả theo đúng lịch hẹn.

Việc giải đáp và hướng dẫn trực tiếp cho người dân thông qua mô hình “một cửa” đã mang lại hiệu quả thiết thực, số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm hơn trước; khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ; tăng cường tính minh bạch, công khai trong các hoạt động của Viện kiểm sát, đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân.

Việc thực hiện mô hình cải cách tư pháp “một cửa” cũng là điều kiện để cán bộ công chức ngành Kiểm sát tạo cho mình một phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Viện kiểm sát cũng như xây dựng hình ảnh ngành Kiểm sát gần dân, hiểu dân, thân thiện với nhân dân, là địa chỉ tin cậy về công lý của nhân dân, Viện trưởng Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh./.

Xuân Hưng