Trong số những vướng mắc được TAND tối cao giải đáp tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 nhằm giúp các TAND và Tòa án quân sự, các đơn vị thuộc TAND tối cao áp dụng thống nhất trong xét xử, có nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực như hình sự, dân sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

Theo đó, có vướng mắc đề cập nội dung: Đối với các loại hợp đồng dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản của các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì có áp dụng thời hiệu khởi kiện như quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 không?

Nội dung này, TAND tối cao cho biết, theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

...2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai....”

Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.

Do vậy, đối với các tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì Tòa án không áp dụng thời hiệu không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Một số Toà án nêu câu hỏi: Theo Công văn số 64/TANDTC-PC thì trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, căn cứ Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu. Như vậy, hướng dẫn này có áp dụng đối với các giao dịch thế chấp phát sinh trước ngày 1/1/2017 mà nay có tranh chấp không?

Theo TAND tối cao, Khoản 1 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 63/2020/QH14 năm 2020 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

Như vậy, về nguyên tắc chung, hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định có hiệu lực trở về trước (hồi tố) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nêu trên.

Căn cứ quy định nêu trên, hướng dẫn tại phần 1 mục I của Công văn số 64/TANDTC-PC được áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện kể từ ngày 1/1/2017 mà không áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện trước ngày 1/1/2017.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Liên quan đến những vướng mắc về tố tụng dân sự, có vướng mắc nêu: Ông A phải thi hành án trả cho ông C số tiền là 500 triệu đồng, ông A không tự nguyện thi hành án. Cơ quan thi hành án xác định vợ chồng ông A có tài sản là quyền sử dụng 156m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất, nhưng chưa làm các thủ tục thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự, chưa cưỡng chế thi hành án đối với ông A. Ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của ông A trong khối tài sản chung. Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do ông C chưa đủ kiều kiện khởi kiện. Vậy, quyết định đình chỉ này của TAND huyện H có đúng không?

Nội dung này, TAND tối cao giải đáp: Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền: “Khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án”.

Khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự...”.

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” là một trong những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, trong trường hợp này Cơ quan thi hành án dân sự mới chỉ xác định vợ chồng ông A có tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất diện tích 156m2 cùng tài sản gắn liền trên đất mà chưa làm các thủ tục thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự, ông C (người được thi hành án) đã khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là chưa đủ điều kiện khởi kiện. Do đó, TAND huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là có căn cứ.

Một câu hỏi khác được nêu đó là: Theo Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của TAND tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”. Vậy, Tòa án có được thụ lý giải quyết các trường hợp này không?

Theo giải đáp của TAND tối cao: Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định giấy tờ có giá là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc.

Khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ” cho nên không phải là giấy tờ có giá. Do vậy, hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá vẫn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các pháp luật khác đang có hiệu lực.

Điều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì TAND sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, có Toà án nêu nội dung: Trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán tài sản, thế chấp tài sản... Tòa án có phải đưa tổ chức hành nghề công chứng hợp đồng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không?

Đối với vướng mắc này, TAND tối cao cho rằng, theo quy định tại Điểm d và Điểm g khoản 2 Điều 17 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 thì Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình.

Điều 38 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 quy định:

“1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Khoản 4 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét có đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết tranh chấp hợp đồng có liên quan đến nghĩa vụ giải thích của Công chứng viên theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 17 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng của tổ chức hành nghề công chứng thì Tòa án xem xét đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

P.V