leftcenterrightdel
Đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam và đồng chí Bùi Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND tối cao đồng chủ trì kiểm tra, giám sát tại tỉnh Quảng Ninh (năm 2019). 

Sáng kiến từ thực tiễn công tác 

Từ ý tưởng đã được tập thể lãnh đạo đơn vị thống nhất chỉ đạo Phòng nghiệp vụ triển khai tổ chức thực hiện, trên cơ sở lựa chọn các đồng chí là lãnh đạo, Kiểm sát viên có đủ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp tham gia triển khai thực hiện các ý tưởng đổi mới (lần đầu tiên tiến hành kiểm sát trực tiếp cơ sở bắt buộc chữa bệnh thuộc Bộ Y tế) để xác định, làm rõ nguyên nhân điều kiện về những sơ hở, thiếu sót trong quy trình quản lý, điều trị người có quyết định bắt buộc chữa bệnh (là những người đã bị mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau quá trình giải quyết vụ án hình sự do VKSND và TAND ra quyết định bắt buộc chữa bệnh) nhưng quá trình chữa bệnh lại tiếp tục phạm tội mới đặc biệt nghiêm trọng (tổ chức điều hành, mua bán 11 bánh heroin) và bị bắt quả tang.  

Để thực hiện ý tưởng đó, trước hết phải xác định được căn cứ pháp lý để tiến hành kiểm sát trực tiếp, làm việc với cơ quan chức năng có liên quan, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu xây dựng kịch bản, nội dung, kế hoạch, phương thức kiểm sát gửi đến cơ quan quản lý cấp trên (Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế), cơ quan có liên quan và đơn vị được kiểm sát là Bệnh viện tâm thần Trung ương I; phân công 1 đồng chí Lãnh đạo Vụ trực tiếp tham gia, với tư cách là Trưởng đoàn kiểm sát.

Trước khi tiến hành kiểm sát cơ sở chữa bệnh, Vụ đã tham mưu Lãnh đạo Viện thành lập 2 đoàn kiểm sát đột xuất tại 2 trại giam đóng trên địa bàn, tiến hành làm việc, xác minh tại TAND tỉnh để xác định và làm rõ trách nhiệm của Cơ sở giam giữ phạm nhân trong việc đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và ra quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh đối với 9 phạm nhân.

Sau khi có kết luận kiểm sát đột xuất tại Trại giam (nơi có phạm nhân đang điều trị bắt buộc chữa bệnh trốn), Đoàn công tác xác định thêm tung tích của 1 phạm nhân khác thuộc một Trại giam khác, trong khi đang điều trị bệnh tâm thần phạm tội đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, đã bị bắt quả tang và hiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam thuộc Bộ Công an. Vụ 8 đã báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xin chủ trương: trước hết, tiến hành làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (để thu thập thông tin về việc phạm tội mới của đối tượng đang chữa bệnh tâm thần); làm việc với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (để phối hợp trong việc trực tiếp tiến hành kiểm sát cơ sở chữa bệnh); làm việc với Viện Pháp y tâm thần Trung ương (để đề nghị cung cấp các kết luận giám định pháp y tâm thần) và tham mưu Lãnh đạo VKS quyết định tiến hành kiểm sát (lần đầu tiên) tại cơ sở chữa bệnh là Bệnh viện tâm thần Trung ương I.

Hiệu quả thiết thực

Mặc dù kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định tại Điều 114 Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010 (nay là Điều 134 Luật THAHS năm 2019), tuy nhiên, tại Điều 22 và Điều 25 Luật Tổ chức VKSND mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và kiểm sát việc thi hành án hình sự, mà chưa quy định rõ về kiểm sát áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 114 Luật THAHS.

Ngoài ra, Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ 8 ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC-V8 ngày 20/11/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao cũng chưa quy định cụ thể nội dung công tác này thuộc trách nhiệm của Vụ 8. Quy chế nghiệp vụ số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, tại Điều 35 có quy định nội dung kiểm sát thi hành biện pháp tư pháp, nhưng cũng không quy định rõ về thẩm quyền kiểm sát, phạm vi kiểm sát và phương thức kiểm sát, dẫn đến quá trình tham mưu để tổ chức triển khai kiểm sát trực tiếp tại các cơ sở chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Sau khi trao đổi ý kiến với Vụ 14 và xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, nhất trí để Vụ 8 tiến hành kiểm sát, với phương thức kiểm sát trực tiếp.

Do vậy, Vụ 8 xác định đây là việc làm mới, khó, cần phải có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, sự nhất trí và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo để Vụ 8 hoàn thành tốt nhiệm vụ mới, lần đầu tiến hành kiểm sát trực tiếp tại cơ sở chữa bệnh sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật THAHS năm 2010 về nội dung công tác này.

leftcenterrightdel
Đoàn kiểm sát kiểm tra khu lao động của phạm nhân. 

Tuy nhiên, tập thể Vụ 8 đã vượt qua khó khăn đó để biến những ý tưởng  thành những kết quả tích cực: Từ kết quả kiểm sát thực hiện trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020, Vụ đã báo cáo và kịp thời tham mưu Lãnh đạo Viện có biện pháp tác động kịp thời kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong áp dụng, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh một cách tổng thể, toàn diện từ quy trình áp dụng, đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh còn nhiều sơ hở, tùy tiện của cơ sở giam giữ phạm nhân;

Việc quyết định bắt buộc chữa bệnh trái quy định pháp luật của Tòa án nhân dân (đã tiếp nhận, thụ lý, quyết định 5/9 hồ sơ, tài liệu bị làm giả); kết quả giám định và việc bàn giao kết quả giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho cơ quan có thẩm quyền trong việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần (đối với quyết định trưng cầu trái thẩm quyền theo quy định của Luật THAHS);

Việc buông lỏng, sơ hở trong việc tiếp nhận, quản lý, điều trị người có quyết định bắt buộc chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh và đặc biệt là phát hiện các kẽ hở trong các quy định của pháp luật hiện hành (Luật THAHS và Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh), cần thiết phải có lộ trình khẩn trương sửa đổi để hướng dẫn tổ chức thực hiện, tránh việc lợi dụng sơ hở đó để dung túng, tiếp tay, gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như thời gian qua…

Từ đó, xác định rõ nguyên nhân, điều kiện của những vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đặc biệt là trách nhiệm và sai phạm của cán bộ tư pháp trong việc đề nghị, áp dụng, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh để kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao đấu tranh làm rõ và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

- Ban hành Kết luận kiểm sát số 120/KL-VKSTC ngày 28/11/2019 với 6 nội dung kiến nghị và 1 kháng nghị bằng văn bản riêng (Kháng nghị số 04/KN-VKSTC ngày 29/11/2019) đối với Bệnh viện tâm thần Trung ương I, yêu cầu Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương I chấm dứt vi phạm trong việc quản lý, điều trị, cho người bị bắt buộc chữa bệnh đi phép, chỉ định cho đi khám chuyên khoa trái quy định của pháp luật…VKSND tối cao (Vụ 8) đã nhận được văn bản báo cáo tiếp thu, khắc phục vi phạm. 

- Ban hành Kiến nghị số 15/KG-VKSTC ngày 29/11/2019 đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, kiểm tra khắc phục vi phạm, tồn tại trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS, trong đó đề nghị phối hợp quản lý phạm nhân bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; phối hợp rà soát số phạm nhân đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn để tổ chức truy bắt hoặc các trường hợp khỏi bệnh phải được làm thủ tục đưa về quản lý tại cơ sở giam giữ; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thông tư liên tịch quy định cụ thể việc tiếp nhận, quản lý, tổ chức điều trị, trao đổi thông tin và giải quyết các vụ việc bảo đảm biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

leftcenterrightdel
Đoàn kiểm sát điểm danh, kiểm diện phạm nhân. Ảnh do Vụ 8 cung cấp. 

Ngày 20/2/2020, Bộ Công an đã có văn bản phúc đáp về việc chấn chỉnh công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; Ngày 3/4/2020, Bộ Công an đã có văn bản phúc đáp về việc chỉ đạo kiểm tra, khắc phục trong công tác thi hành án phạt tù, trong đó đã chỉ đạo Cơ quan quản lý THAHS và các trại giam thực hiện nghiêm túc quy định về bắt buộc chữa bệnh theo Nghị định số 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh quy trình công tác, không để các đối tượng lợi dụng làm hồ sơ giả để đưa phạm nhân đi giám định, được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, phân công các đơn vị chức năng chủ động nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát hiện những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, hạn chế dẫn đến các vi phạm trong việc đề nghị ra quyết định, quản lý, điều trị phạm nhân bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cũng như truy tìm khi họ bỏ trốn… để kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng khắc phục, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác.

- Ban hành Kiến nghị số 18/KG-VKSTC ngày 31/12/2019, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế với 7 nội dung kiến nghị trong công tác thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. 

Ngày 6/3/2020, VKSND tối cao (Vụ 8) đã nhận được văn bản phúc đáp của Bộ trưởng Bộ Y tế, thông báo kết quả khắc phục, phòng ngừa vi phạm trong công tác thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó ghi nhận, từ các nội dung kiến nghị, kháng nghị nêu trên của VKSND tối cao, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động liên quan đến điều trị bắt buộc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I nói chung và 5/5 cơ sở thực hiện điều trị bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Nghị định 64/2011/NĐ-CP. 

- Ban hành 5 kháng nghị yêu cầu TAND cấp tỉnh hủy 5 quyết định bắt buộc chữa bệnh trái quy định của pháp luật, được chấp nhận và TAND đã ra 5 quyết định hủy quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với các phạm nhân: Phùng Anh Thái, Trần Thế Phúc, Nguyễn Khánh Quốc, Phạm Văn Kiên và Trịnh Hoàng Lan. 

- Ban hành văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh và chỉ đạo xử lý nghiêm những vi phạm trong khám, chữa bệnh đối với người bắt buộc chữa bệnh.

Sau đó, VKSND tối cao (Vụ 8) đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ, với nội dung thông báo các Bộ: Công an, Y tế, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị của VKSND tối cao tại văn bản nêu trên, báo cáo tình hình, kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2020. Đồng thời, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục kiểm sát chặt chẽ việc thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; chỉ đạo xác minh làm rõ, kết luận đối với các sai phạm trong việc tổ chức thực hiện thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thông báo cho Thủ tướng Chính phủ biết kết quả.

Như vậy, từ các ý tưởng đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của đơn vị đã mang lại kết quả thiết thực trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, cụ thể là hoạt động kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Đây là nhiệm vụ mới được tổ chức triển khai thực hiện của ngành KSND nói chung và Vụ 8 nói riêng, phát huy  được vai trò, trách nhiệm của VKSND trong việc kiểm sát tuân theo pháp luật về lĩnh vực này, từ đó, tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của các cơ quan chức năng  trong việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Đặc biệt là sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng VKSND tối cao và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, ngành chức năng phải nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện Kiến nghị của VKSND; chỉ đạo, đề ra lộ trình sửa đổi đồng bộ chính sách pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời đề nghị VKSND tối cao tiếp tục kiểm sát chặt chẽ và xác minh, làm rõ, xử lý các sai phạm theo thẩm quyền.

Ghi nhận các ý tưởng đổi mới, sáng tạo của đơn vị, Viện trưởng VKSND tối cao đã tặng thưởng Bằng khen đối với 1 tập thể và một số cá nhân của Vụ 8 do có thành tích xuất sắc đột xuất trong kiểm sát áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 


Hòa An