leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trình chiếu công khai tài liệu, chứng cứ.

Phiên tòa xét xử đối với vụ án “Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất”, giữa các đương sự nguyên đơn: bà Nguyễn Thị H. và bị đơn bà Dương Thị L., cùng cư trú ấp Thạnh Nhãn 1, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Phiên tòa được tổ chức rút kinh nghiệm kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trình chiếu, công khai tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử tại phiên tòa của Kiểm sát viên.

Đến tham dự có đồng chí Lê Văn Ninh - Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Sóc Trăng; Lãnh đạo, Kiểm sát viên phụ trách bộ phận dân sự các đơn vị VKSND thị xã Vĩnh Châu, VKSND huyện Mỹ Xuyên cùng với sự tham dự của Lãnh đạo, Kiểm sát viên của đơn vị.

Theo đơn khởi kiện ngày 23/2/2021, các lời khai trong quá trình giải quyết án cũng như tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn trình bày: Năm 2001 cha chồng bà H. là ông Huỳnh Văn T, sinh năm: 1922 được UBND huyện Mỹ Xuyên (nay là huyện Trần Đề) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 00132, tại các thửa: 23, 26, 33, 14, 06 tờ bản đồ số 02; diện tích 25.124 m2 vị trí thửa đất tại ấp Thạnh Nhãn 1, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Trong quá trình canh tác sản xuất gia đình bà H. có cất 1 chòi nhỏ để ở chằm lá và coi đất tại thửa số 14, diện tích 370m2. Khi dựng cột thì bà L. ngăn không cho cất và bà L. rào lại và chiếm hết diện tích đất 115,4m2 của gia đình bà Nguyễn Thị H. vì bà L. cho rằng đó là đất của bà. Do đó nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết về việc đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn chiếm với diện tích 115,4m2.

leftcenterrightdel
 Phiên họp rút kinh nghiệm tại VKSND huyện Trần Đề.

Đây là vụ án Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất phức tạp có nhiều đương sự tham gia, có tính chất điển hình, xảy ra phổ biến ở địa phương nên đảm bảo các tiêu chí để lựa chọn thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Qua đó, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương câu hỏi, dự thảo bài phát biểu.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ trình tự thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm, việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của đương sự và những người tham gia phiên tòa, tiến hành xét hỏi, kết hợp trình chiếu tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã lập luận chặt chẽ, có căn cứ pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận. Bên cạnh đó Kiểm sát viên đã thể hiện tác phong chững chạc, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa.

Cuộc họp rút kinh nghiệm được tổ chức ngay sau khi kết thúc phiên tòa để đánh giá kết quả phối hợp và tổ chức thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Tại buổi họp rút kinh nghiệm, các đồng chí Kiểm sát viên tham dự phiên tòa đã đánh giá Kiểm sát viên tham gia xét xử đã làm tốt công tác chuẩn bị cho việc xét xử; các đồng chí tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính thực tiễn, kinh nghiệm sâu sắc.Bên cạnh đó, các đồng chí tham dự cũng đưa ra một số góp ý thẳng thắn và chỉ ra những hạn chế thiếu sót cho Kiểm sát viên để làm bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát xét xử vụ án dân sự, tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức nghiệp vụ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đồng thời góp phần tuyên truyền pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp rút kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Thành Quang - Phó Viện trưởng VKSND huyện Trần Đề xác định sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; đồng thời nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

Việt An - Mỹ Lan