|
|
Toàn cảnh phiên tòa dân sự. |
Tranh chấp diễn ra giữa nguyên đơn ông Dương S. và bị đơn bà Lâm Thị Mỹ A, cùng ngụ xã Long Phú, huyện Long Phú. Kiểm sát viên Dương Hồng Thủy kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Tham dự phiên tòa có các đồng chí lãnh đạo VKSND huyện; cùng các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong đơn vị.
Theo nội dung vụ án, vào năm 2003 ông Dương S. có nhận cầm cố đất của ông Lâm D. và bà Lâm G. với tổng diện tích 15.700 m2 với giá 77 chỉ vàng 24k. Sau đó, ông cầm cố một phần đất lại cho con trai và vợ của con trai là Dương T. và Lâm Thị Mỹ A. bằng hợp đồng miệng với diện tích 2.500 m2 với giá là 12,5 chỉ vàng 24k.
Đến năm 2011 ông T. và bà A. ly hôn có chia đôi phần tài sản cầm cố mỗi người được nhận 1.250 m2. Đến năm 2016 và 2017 ông Dương S. nhận chuyển nhượng toàn bộ phần đất mà ông Lâm D. và bà Lâm G. đã cầm cố cho ông với diện tích 7.126 m2 và 7.000 m2 với tổng số là 22 chỉ vàng 24k và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2020 ông Dương S. đề nghị với bà Lâm Thị Mỹ A. để chuộc lại phần đất cầm cố với diện tích 1.250 m2 với giá 6,25 chỉ vàng 24k nhưng bà A. không đồng ý nên phát sinh tranh chấp. Ngày 1/10/2020 ông Dương S. gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Long Phú để khởi kiện, yêu cầu tuyên bố hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất giữa ông và bà A. vô hiệu.
|
|
Phiên họp rút kinh nghiệm tại VKSND huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. |
Ngày 11/8/2023, bà Lâm Thị Mỹ A. có đơn yêu cầu phản tố. Bà trình bày vào năm 2000 bà kết hôn với ông Dương T. là con ruột của ông Dương S. Trong thời gian này bà và ông T. mua được 7.000 m2 với giá 7 cây vàng 24k từ ông Thạch G. và bà Đoàn Thị H. Năm 2011 vợ chồng bà A. phát sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến ly hôn và được chia tài sản cho bà A. là 1.250 m2, bà canh tác đến năm 2017 thì ông Dương S. làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất lấy luôn diện tích 1.250 m2.
Nay bà Lâm Thị Mỹ A. yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Dương S. và bà Lâm G. đứng tên.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ thủ tục bắt đầu phiên tòa, việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Thư ký tòa án; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Quá trình xét xử, Kiểm sát viên đã chủ động, linh hoạt trong việc hỏi các đương sự, đặt câu hỏi rõ ràng, đúng trọng tâm, góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như thông qua nội dung tranh tụng tại tòa, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm giải quyết vụ án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và được Hội đồng xét xử thống nhất.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, đồng chí Lâm Thị Ngọc Sương - Viện trưởng VKSND huyện Long Phú đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp, các ý kiến đóng góp cho Kiểm sát viên đã nêu lên những ưu điểm, hạn chế cần phải rút kinh nghiệm, từ đó góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, cũng như giúp Kiểm sát viên tham dự phiên tòa tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong việc kiểm sát giải quyết án dân sự, qua đó giúp nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp khi giải quyết các vụ án phức tạp.