leftcenterrightdel
 Một vụ chôn lấp chất thải độc hại ra môi trường của Doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: VKS cung cấp.

Trong thời gian qua, quán triệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các Cấp ủy đảng, Chính quyền huyện Gò Công Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường nói chung và việc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì tình trạng ô nhiễm, sự cố về môi trường vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây bức xúc cho nhân dân và dư luận xã hội trên địa bàn.

Xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm sát từ thụ lý nguồn tin tố giác, tin báo về tội phạm, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND huyện Gò Công Đông nhận thấy trên địa bàn huyện còn xảy ra vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, chủ động giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ các sự cố gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường xảy ra trên địa bàn huyện, Viện trưởng VKSND huyện Gò Công Đông kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan… thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Chỉ thị,  Nghị quyết của Trung ương, Luật Bảo vệ môi trường và văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Tăng cường chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý. Kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, đối với Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện phải thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong Quyết định và báo cáo đánh giá tác động môi trường  được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải lập hồ sơ thiết kế và đầu tư xây dựng hệ thống các công trình xử lý môi trường; lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức.

Đối với VKS và Tòa án nhân dân huyện cần tăng cường phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Công Đông chọn các vụ án liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường làm án điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thực hiện tốt công tác đấu tranh tội phạm nhưng đồng thời phải đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.

Tiếp thu những nội dung trên, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông có Công văn số 691/UBND về việc thực hiện kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Đoàn thể huyện và yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do VKSND huyện Gò Công Đông kiến nghị.

Thanh Phong - Đặng Dũng