Bên cạnh việc truy bắt thì công tác vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú cũng vô cùng quan trọng, được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh (PC52) đặc biệt chú trọng. Điều này không chỉ thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tính nhân đạo của pháp luật đối với những người đã trót phạm tội mà còn tạo niềm tin, cơ hội để họ quay về.

 


Sau 2 năm lẩn trốn, sáng 31.7, Đinh Hùng Vương (SN 1977, ở Tân An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai), đối tượng bị truy nã về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã đến PC52 đầu thú. Ngày 3.7.2012, Vương giả vờ thuê xe ô tô Ford Everest biển số 77H-3539 của anh Võ Quang Hiếu (SN 1972, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) với giá 54 triệu đồng trong 3 tháng liên tục, trả trước 48 triệu, số tiền còn lại sẽ trả khi giao xe. Sau đó, Vương mang xe đi cầm cố tại Quảng Ngãi lấy 100 triệu đồng và bỏ trốn nhiều nơi.

Qua điều tra, xác minh, cảnh sát truy nã biết Vương làm nghề khai thác đá, thường xuyên lẩn trốn ở rừng núi thuộc huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần được thượng tá Võ Biên Cương - Phó trưởng Phòng PC52 cùng thiếu tá Lê Chí Lợi, đội trưởng đội 3, PC52 trực tiếp vận động, người thân của Vương đã tác động được đối tượng ra đầu thú.

Một trong những đối tượng trốn truy nã lâu năm khác cũng đã ra đầu thú là Phạm Văn Kế (SN 1971, ở xã Cát Khánh, Phù Cát). Phạm Văn Kế gây án từ năm 1990, do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Kế làm 1 người chết và 3 người bị thương. Trong lúc hoảng loạn, Kế trốn biệt tăm. Khi tìm hiểu các mối quan hệ của Kế, các trinh sát biết Kế hay liên hệ với em vợ mình nên tìm cách tiếp cận và giải thích về chính sách khoan hồng của Nhà nước nếu Kế đầu thú. Lúc đầu, người thân của Kế vẫn còn khá dè dặt, tuy nhiên sau nhiều lần được vận động, thấy được thành ý của các trinh sát nên gia đình đã cùng phối hợp vận động Kế ra đầu thú vào tháng 4 vừa qua.

Nhanh chóng, kịp thời, mềm dẻo, kiên trì là những gì mà các trinh sát thực hiện công tác vận động đối tượng truy nã luôn “nằm lòng” khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi, theo thượng tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó trưởng Phòng PC52, thì không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú và không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với CA vận động người thân quay về chịu án. Mỗi tội phạm có nhân thân, hành vi phạm tội và hoàn cảnh gia đình khác nhau, nên công tác vận động cũng phải tùy cơ ứng biến. Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, người làm công tác truy nã phải thể hiện tốt vai trò của một chuyên gia tâm lý, sẵn sàng trải lòng mình với người thân của đối tượng để làm cầu nối tác động đến người phạm tội.

Có những trường hợp qua xác minh, bố trí lực lượng, biện pháp nghiệp vụ đủ sức bắt gọn đối tượng, nhưng nếu có cơ hội, trinh sát vẫn kiên trì vận động, tạo điều kiện cho đối tượng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Như trường hợp Nguyễn Hồ Thảo My (25 tuổi, ở phường Quang Trung, Quy Nhơn), bị truy nã về hành vi môi giới mại dâm, mặc dù cảnh sát truy nã biết cụ thể địa chỉ My đang lẩn trốn ở Nha Trang, Khánh Hòa nhưng vẫn không bắt giữ mà vẫn kiên trì thuyết phục gia đình đưa My ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Thượng sĩ Huỳnh Văn Tuấn, người trực tiếp vận động gia đình của Nguyễn Hồ Thảo My đưa đối tượng này ra đầu thú, cho biết: “Khi xác minh đối tượng nào, việc đầu tiên của chúng tôi là vận động đầu thú”. Chính nhờ có cách bố trí lực lượng phù hợp và vận động linh hoạt mà số đối tượng bị truy nã ra đầu thú của PC52 đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt và vận động ra đầu thú gần 15 trường hợp.



Theo Báo Bình Định

.