Theo đó, Hội đồng định giá (HĐĐG) được thành lập theo hai loại là HĐĐG theo vụ việc và HĐĐG thường xuyên như sau:
HĐĐG theo vụ việc:
- HĐĐG theo vụ việc được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); ở trung ương.
- HĐĐG theo vụ việc cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- HĐĐG theo vụ việc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
- HĐĐG theo vụ việc ở trung ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ) thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.
Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập HĐĐG tài sản.
- Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của HĐĐG theo vụ việc, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch HĐĐG theo vụ việc thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
HĐĐG thường xuyên:
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh quyết định thành lập HĐĐG thường xuyên để định giá tài sản.
- HĐĐG thường xuyên cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- HĐĐG thường xuyên cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
- Quyết định thành lập HĐĐG thường xuyên được gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để cơ quan này gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
- Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của HĐĐG thường xuyên, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch HĐĐG thường xuyên thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
- Đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp HĐĐG thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập HĐĐG theo vụ việc theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Bên cạnh quy định cụ thể việc tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản; căn cứ định giá tài sản,... Nghị định quy định chi tiết về phương pháp định giá tài sản như sau:
- Căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; HĐĐG thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá.
- Đối với một số trường hợp cụ thể, việc định giá tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời tiến hành như sau:
+ Tài sản chưa qua sử dụng: HĐĐG xác định giá của tài sản theo giá của tài sản giống hệt còn mới hoặc tài sản tương tự còn mới (nếu không có tài sản giống hệt);
+ Tài sản đã qua sử dụng: HĐĐG xác định giá của tài sản trên cơ sở xác định giá trị thực tế của tài sản;
+ Tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, HĐĐG xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ;
+ Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: HĐĐG xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá;
+ Tài sản là hàng giả: HĐĐG xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
+ Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; tài sản là kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: HĐĐG xác định giá tài sản dựa trên kết quả giám định, ý kiến đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và chuyên gia về lĩnh vực này hoặc giá trị ghi trong hồ sơ, tài liệu của tài sản.
Nghị định cũng quy định chi tiết việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt:
Theo đó, trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt do Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018 và thay thế Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Phạm Hằng/kiemsat