Tổng hợp 11 án lệ đã được TAND tối cao công bố
Cập nhật lúc 15:50, Thứ ba, 04/12/2018 (GMT+7)
Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố thêm 11 bản án lệ mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là tổng hợp các tình huống và giải pháp pháp lý của các án lệ đã ban hành.
1. Án lệ 17/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 07/2018/HS-GĐT ngày 20/3/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người”.
- Tình huống: Trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại. Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành. Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, người thực hành phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ”. Người xúi giục bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” nhưng không bị áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ”.
2. Án lệ số 18/2018/AL Bản án phúc thẩm số 331/2018/HS-PT ngày 28-5-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Giết người”.
- Tình huống: Bị cáo bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm nhưng không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông bám vào cọng gương chiếu hậu của xe, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát giải phân cách nhằm hất cảnh sát giao thông xuống đường. Cảnh sát giao thông rơi khỏi xe, va vào giải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ”.
3. Án lệ số 19/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 09/2015/HS-GĐT ngày 23-4-2015 của Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tham ô tài sản”.
- Tình huống: Bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lý nhưng thực tế không chi trả cho bất kỳ ai mà bị cáo đã sử dụng số tiền này. Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục được một phần số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tham ô tài sản”. Giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt phải xác định là toàn bộ số tiền mà bị cáo đã làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm khống từ quỹ của chi nhánh ngân hàng (bao gồm cả số tiền bị cáo đã khắc phục trong quá trình điều tra).
4. Án lệ số 20/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/LĐ-GĐT ngày 09-8-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án lao động “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” tại tỉnh Bình Thuận.
- Tình huống: Người sử dụng lao động có thư mời làm việc với nội dung xác định loại hợp đồng lao động và thời gian thử việc. Người lao động đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc. Hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.
5. Án lệ số 21/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT ngày 20-5-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản” tại tỉnh Quảng Ninh.
- Tình huống: Hợp đồng cho thuê tài sản có thời hạn, không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Bên thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng không được bên cho thuê đồng ý. Thời gian từ khi bên thuê có văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng quá ngắn dẫn đến bên cho thuê không thể có hợp đồng khác thay thế ngay trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê. Bên cho thuê yêu cầu bên thuê phải thanh toán tiền thuê tài sản trong thời gian còn lại của hợp đồng.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định bên thuê có lỗi và phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho bên cho thuê. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.
6. Án lệ số 22/2018/AL Bản án dân sự phúc thẩm số 313/2016/DS-PT ngày 16-3-2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án "Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm".
- Tình huống: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm. Thông tin được yêu cầu kê khai không phải là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm.
7. Án lệ số 23/2018/AL Bản án dân sự phúc thẩm số 538/2009/DS-PT ngày 31-3-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
- Tình huống: Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thể hiện người mua bảo hiểm lựa chọn hình thức thu phí bảo hiểm là tại địa chỉ nhà của bên mua bảo hiểm. Đến thời hạn đóng phí bảo hiểm và trong thời gian gia hạn đóng phí, nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm không đến thu phí của người mua bảo hiểm.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người mua bảo hiểm không có lỗi trong việc chưa đóng phí. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không bị mất hiệu lực vì lý do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn theo thỏa thuận.
8. Án lệ số 24/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội.
- Tình huống: Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.
9. Án lệ số 25/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 79/2012/DS-GĐT ngày 23-02-2012 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tình huống: Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán nhà có thỏa thuận trong một thời hạn nhất định bên nhận đặt cọc phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nếu vi phạm thì phải chịu phạt cọc. Hết thời hạn theo thỏa thuận, bên nhận đặt cọc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định việc bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan và bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc.
10. Án lệ số 26/2018/AL Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung” ở Hà Nôi.
- Tình huống: Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
11. Án lệ số 27/2017/AL Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27-3-2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung”.
- Tình huống: Yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản khi người để lại di sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế và căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 để xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.
PV(Tổng hợp)