Kiểm sát Bản án hình sự sơ thẩm số 60/2018/HSST ngày 19/9/2018 của TAND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, VKSND huyện Thanh Hà nhận thấy: Vũ Văn Thắng điều khiển xe ô tô đến nơi giao nhau với đường sắt, nhưng không quan sát biển báo, không nhường đường cho tàu khách đang lưu thông, là vi phạm khoản 4 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng; Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Hà quyết định tuyên phạt bị cáo Thắng 30 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án; Cấm bị cáo hành nghề lái xe ô tô trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù, về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, Bản án nhận định số tiền chậm tàu 555.606.000 đồng mà Tổng công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu được bồi thường, số tiền 145.545.674 đồng là chi phí khắc phục hậu quả của chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thái Hải, tổng số là 701.151.674 đồng, không phải là thiệt hại trực tiếp liên quan đến hành vi của bị cáo, phát sinh sau khi xảy ra tai nạn, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường và buộc các công ty này phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là không có căn cứ pháp luật, bởi lẽ:
Số tiền 701.151.674 đồng mà Tổng công ty đường sắt Việt Nam và Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thái Hải yêu cầu bồi thường dân sự là chi phí hợp lý để khắc phục hậu quả của vụ tai nạn giao thông do lỗi hoàn toàn của bị cáo Vũ Văn Thắng. Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội yêu cầu được bồi thường về chi phí phục vụ cứu hộ, cứu nạn 29.476.000 đồng, chi phí sơ cứu đưa toa xe về sửa chữa 10.000.000 đồng, chi phí sửa chữa toa xe bị tai nạn 38.438.000 đồng, tổng cộng 67.914.000 đồng, được Công ty TNHH Vận tải VNL tự nguyện bồi thường chi phí sửa chữa toa xe bị tai nạn 28.438.000 đồng; số tiền 39.476.000 đồng chưa có đủ căn cứ để giải quyết trong vụ án.
Theo VKS, như vậy, yêu cầu bồi thường dân sự của Tổng công ty đường sắt Việt Nam và Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thái Hải của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội là hợp pháp, nội dung các khoản yêu cầu phù hợp pháp luật.
Việc bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường dân sự của các công ty trên và buộc họ phải chịu án phí sơ thẩm dân sự là không đúng quy định của Bộ luật dân sự, Nghị quyết số 03/2006/ NQ-HĐTP ngày 07/8/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và quy định tại điểm e khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án…
Vừa qua, VKSND huyện Thanh Hà ra quyết định kháng nghị phần trách nhiệm dân sự và án phí tại Bản án số 60/2018/HSST ngày 19/9/2018 của TAND huyện Thanh Hà, đề nghị TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm theo hướng: buộc Công ty TNHH VNL bồi thường số tiền 107.920.000 đồng cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam và chịu án phí theo luật định; Tổng công ty đường sắt Việt Nam không phải chịu 32.046.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội không phải chịu 1.973.800 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Vũ Văn Tiến