Ngày 9/11, TAND TP.Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm về hòa giải đối thoại, chính thức đưa 6 trung tâm hòa giải đối thoại trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP.Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, TAND hai cấp của thành phố hàng năm giải quyết khoảng 10.000 vụ việc, trong đó số vụ việc bắt buộc hòa giải, đối thoại theo tố tụng khoảng 70%. Thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, tính chất vụ, việc ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó biên chế CBCC phải cắt giảm theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác, tạo ra áp lực lớn cho Tòa án.

leftcenterrightdel
  Trao các Quyết định thành lập 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Trước tình hình đó, TP.Đà Nẵng được TANDTC lựa chọn là một trong 15 đơn vị để mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính.

 TAND TP.Đà Nẵng đã tổ chức 6 trung tâm gồm: trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND TP.Đà Nẵng và các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Cẩm Lệ nhằm huy động được nhiều nguồn nhân lực tham gia cùng Tòa án trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xã hội, hàn gắn được những rạn nứt, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giảm số lượng các vụ, việc phát sinh phải giải quyết bằng xét xử, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công chức của đương sự và Nhà nước.”, Chánh án Thành thông tin.

Ngoài ra, Chánh án TAND TP.Đà Nẵng cũng chỉ ra một số nội dung nhằm đưa hoạt động của các Trung tâm hòa giải đối thoại đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, cần chú trọng đến sự phối hợp chặt chẽ  giữa các Trung tâm với các cơ quan Viện kiểm sát, Công an, Thanh tra, Cục Thi hành án các cấp, sở ban ngành có liên quan.

Các trung tâm hòa giải cần chú trọng phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên phù hợp với thời hạn, sở trường, chuyên môn, kinh nghiệm của từng cá nhân; lãnh đạo Tòa án phân công Thẩm phán, Thư ký lập biên bản hòa giải, đối thoại thành để không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

leftcenterrightdel
 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP.Đà Nẵng.

Đối với các Hòa giải viên, Đối thoại viên cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, xác định rõ quan hệ tranh chấp, nguyên nhân, mức độ, vấn đề mấu chốt để giải quyết tranh chấp một cách đúng đắn, hợp tình hợp lý. Đặc biệt, cần bảo mật các thông tin hòa giải, đối thoại cho các bên.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định, việc TP.Đà Nẵng được chọn là địa phương triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. 

"Nếu làm tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm tải cho ngành tòa án trong giải quyết tranh chấp. Đây cũng là bước đột phá nhân văn trong tiến trình cải cách tư pháp, là cơ sở để ngành tòa án đề xuất các giải pháp trong công tác lập pháp. Ngược lại, nếu thực hiện không tốt sẽ gây tốn kém, hậu quả xử lý cũng khó lường" - ông Trí nói.

Để thực hiện điều này, đồng chí Phó Bí thư yêu cầu các CBCC của TAND TP.Đà Nẵng làm việc theo đúng phương châm “thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả cao nhất” và khẳng định thành phố sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để các Trung tâm hòa giải, đối thoại hoạt động với hiệu quả cao nhất.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo TAND TP.Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 10 đồng chí, Tổ giúp việc gồm 12 đồng chí thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại và trao các Quyết định thành lập 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 

Lê Tâm