Nội dung các vụ án: Năm 1994, UBND xã Cẩm Sơn (nay là UBND thị trấn Phong Sơn) huyện Cẩm Thuỷ có chủ trương bán đất ở cho các hộ dân. Các hộ dân: Đào Văn S., Nguyễn Đức T., Hà Thị H., Bùi Thị O., Bùi Văn H. có đơn xin mua đất và đã nộp tiền mua đất ở (có phiếu thu nộp tiền mua đất).
|
|
Kiểm sát viên tham gia thẩm định tại chỗ cùng Toà án (ảnh minh hoạ) |
Từ năm 1994 đến nay, UBND xã Cẩm Sơn không giao đất và cũng không hoàn thiện các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho các hộ nêu trên. Riêng hộ ông Bùi Văn H., do khó khăn nên đã làm giấy chuyển nhượng cho ông Nguyễn Khắc T. vào năm 1994.
Nay các hộ làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Cẩm Thủy yêu cầu UBND thị trấn Phong Sơn bồi thường khoản tiền 720 triệu đồng cho mỗi hộ. Tuy nội dung khởi kiện tương tự nhau, nhưng TAND huyện Cẩm Thủy xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản là quyền sử dụng đất” (đối với đơn khởi kiện của ông Đào Văn S., bà Bùi Thị O.) theo khoản 3 Điều 26 và “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại” (đối với đơn khởi kiện của bà Lê Thị N., bà Hà Thị H., ông Nguyễn Đức T.) theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự để giải quyết các vụ án nêu trên.
Theo đó, 5 đơn khởi kiện của ông, bà Lê Thị N., Đào Văn S., Bùi Thị O., Nguyễn Đức T., Hà Thị H. đều đề nghị TAND huyện Cẩm Thủy giải quyết buộc UBND thị trấn Phong Sơn bồi thường cho các ông bà trên giá trị của 240m2 đất ở, tính theo giá đất nhà nước hiện nay là 3.000.000 đồng/m2 (720 triệu đồng).
Các tài liệu gửi kèm gồm: Biên bản xác minh thực địa ngày 31/3/2023 tại UBND thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy: Khu đất các hộ gia đình mua từ năm 1994 đến nay không được UBND xã Cẩm Sơn bàn giao đất, chỉ biết vị trí đất là ở khu vực Rọc Sung, thôn Lụa. Qua kiểm tra lại khu Rọc Sung, làng Lụa thuộc xã Cẩm Sơn cũ, vị trí khu đất thuộc các thửa hiện nay đang trồng lúa.
Công văn số 725/UBND-TNMT ngày 4/4/2023 của UBND huyện Cẩm Thủy trả lời đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Thảo là: Không có cơ sở để xem xét, cấp CNQSDĐ đất ở cho bà Thảo cũng như các hộ đã mua đất của UBND xã Cẩm Sơn (cũ). Để đảm bảo quyền và lợi ích của bà Thảo và một số hộ dân trước đây đã nộp tiền mua đất của UBND xã Cẩm Sơn (cũ), đề nghị bà Thảo và các hộ làm đơn khởi kiện ra Tòa để giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, còn có các phiếu thu của UBND xã Cẩm Sơn năm 1994 nội dung nộp tiền cấp quyền sử dụng đất ở.
Trong các vụ án này, nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận UBND xã Cẩm Sơn có chủ trương bán đất, thu tiền của các hộ dân. Hiện nay, do UBND xã không có đất để giao, nên các hộ dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. TAND huyện Cẩm Thủy xác định, quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản là quyền sử dụng đất” (đối với đơn khởi kiện của ông Đào Văn S., bà Bùi Thị O.) theo khoản 3 Điều 26 và “Tranh chấp bồi thường thiệt hại" (đối với đơn khởi kiện của bà Lê Thị N., bà Hà Thị H., ông Nguyễn Đức T.) theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự là không chính xác vì quan hệ giữa UBND xã và người dân trong việc giao đất thu tiền sử dụng đất là quan hệ pháp luật hành chính, không phải quan hệ dân sự.
Về nội dung này, khoản 2 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có quy định: “Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Do đó, các vụ án thuộc loại này phải xác định quan hệ tranh chấp là “Các tranh chấp khác về dân sự” theo khoản 14 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để giải quyết.
VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung, kịp thời phát hiện các dạng vi phạm tương tự để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự.