Theo đó, vụ án là việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà H và bị đơn là bà L, anh T về thửa đất số 9, diện tích là 4.055,5m2 tại tổ dân phố 11, phường A, thị xã H, tỉnh L. Lô đất được tách ra làm 2 thửa (thửa đất số 51, tờ bản đồ số 18, diện tích 3.188,8m2 và thửa đất số 70, tờ bản đồ số 52, diện tích 870,4m2).

Quá trình giải quyết vụ án, bản án dân sự sơ thẩm của TAND thị xã H, tỉnh L đã quyết định: “Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H. Buộc bà L, anh T trả lại cho bà H toàn bộ thửa đất số 70, tờ bản đồ số 52, lô đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Được thẩm tra đo đạc thực tế có diện tích là 571,2m2, toạ lạc tại phường A, thị xã H, tỉnh L.... Trên đất có các tài sản như sau: Nhà có diện tích 61,75m2; Giếng và các cây trồng....

leftcenterrightdel
 Viện 2, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng họp tổ chức cuộc thi “Kỹ năng xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình bằng sơ đồ tư duy năm 2024”.

Bà H có nghĩa vụ trả lại giá trị nhà và tài sản trên đất cho bà L, anh T số tiền là hơ 256 triệu đồng gồm tiền nhà, tiền cây trồng trên đất và khoản tiền chi phí quản lý, tôn tạo nâng giá trị đất. Bà H được quyền kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Nguyên đơn là bà H kháng cáo không đồng ý trả lại giá trị nhà và tài sản trên đất cho bà L, anh T số tiền như đã tuyên. Bị đơn là ông T cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không đồng ý việc gia đình ông T phải trả đất cho bà H.

Ngày 16/6/2021, VKSND thị xã H, tỉnh L có Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án dân sự sơ thẩm, chỉ buộc nguyên đơn trả lại cho bà L và anh T chi phí công sức nạo vét, duy trì để sử dụng cái giếng nước là 10 triệu đồng và sửa về án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

Xét xử phúc thẩm, bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh L, quyết định: “Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn bà H; không chấp nhận kháng nghị của VKSND thị xã H, tỉnh L; chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh T; sửa bản án dân sự sơ thẩm của TAND thị xã H, tỉnh L.

Tuyên xử, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H về việc buộc bà L, anh T trả lại cho bà H toàn bộ thửa đất số 70, tờ bản đồ số 52, có diện tích là 571,2m2 và tài sản gắn liền với đất toạ lạc tại phường A, thị xã H, tỉnh L”. Sau khi có bản án phúc thẩm, nguyên đơn là bà H có đơn và VKSND tỉnh L có báo cáo đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm. Quyết định Giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết lại vụ án.

Sau quyết định Giám đốc thẩm, VKSND cấp cao đã nêu các vấn đề cần rút kinh nghiệm. Theo đó, năm 1989, Phòng Giáo dục huyện K (nay là thị xã H), tỉnh L giao cho bà H đất số 9 và ông K được giao lô số 8. Bà H cho rằng thửa đất tranh chấp là thửa đất số 9 của bà được giao, còn thửa đất ông K không sử dụng nên bà đã sử dụng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quá trình xác minh cho thấy, đất Phòng Giáo dục giao đất cho cán bộ trồng cà phê đều có một mặt giáp đường NT, nhưng hiện nay phần đất bà H được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giáp đường NT, chỉ có thửa đất tranh chấp giáp đường NT nên có cơ sở khẳng định thửa đất tranh chấp là của bà H được giao lô số 9 (không tính đất lấn chiếm của ông K) là phù hợp với các thửa đất phòng Giáo dục đã giao. Ngoài ra, quá trình giải quyết án, các tài liệu cũng cho thấy việc bà L và anh T cho rằng thửa đất tranh chấp do ông Th, bà L khai hoang là không cơ sở.

Như vậy, gia đình bà H thuộc đối tượng được Phòng Giáo dục giao đất trồng cà phê và đã sử dụng ổn định từ năm 1989, đến năm 1999 mới cho gia đình ông Th mượn đất nên tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc bà L, anh T trả lại diện tích đất cho bà H và bà H được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận là có căn cứ.

Tòa án cấp phúc thẩm không xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ quá trình sử dụng đất cũng như hiện trạng sử dụng đất (phần đất bà H được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giáp đường NT) như đã phân tích ở trên, nhưng đã bác yêu cầu của bà H là không đúng quy định.

Tuy nhiên, gia đình bà L, anh T đã có nhà trên đất từ năm 1999 nên để đảm bảo nơi ở ổn định cho gia đình bà L và anh T, Hội đồng Giám đốc thẩm đã chấp nhận một phần kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho tòa án nhân dân tỉnh L để xét xử phúc thẩm lại vụ án.

Theo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, vụ án này bị hủy án để xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm là do cấp phúc thẩm chưa làm tốt công tác xác minh, chưa thu thập và đánh giá chứng cứ đầy đủ nên cần rút kinh nghiệm khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án tương tự, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.

Bùi Dung - Xuân Nha