Thứ nhất, về xác định tội danh

Thực tế cho thấy, một số vụ án bị sửa, hủy để điều tra, xét xử lại do cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức chưa đúng, còn nhầm lẫn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản với một số tội phạm khác, dẫn đến sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Có hành vi cấu thành tội trộm cắp, lại kết án bị cáo không phạm tội. Có hành vi lẽ ra phải xử lý tội cướp tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng lại xử lý tội trộm cắp tài sản.

leftcenterrightdel
Kiểm sát việc thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam (Ảnh: Văn Toàn) 
Sau đây là 2 vụ án thực tế đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án trong thời gian qua liên quan đến việc định tội trộm cắp tài sản:

Ví dụ 1: Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 12/4/2016, các bị cáo Lê Quốc K, Nguyễn Văn T, Nguyễn Ngọc B và Phan Tiến D đã lén lút vào rừng đặc dụng Đ để cưa trộm 1 cây gỗ Trắc, sau đó lấy 1 khúc gỗ Trắc (trị giá 19.680.000 đồng) đưa đi cất giấu.

Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999. Nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên bố các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản với nhận định: “Toàn bộ cây rừng tại rừng đặc dụng Đ là cây gỗ tự nhiên, trong các năm qua không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào cho phép khai thác, tận thu, không được giao cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào sử dụng, định đoạt trong đó bao gồm cả cây gỗ trắc mà các bị cáo đã cưa, cắt; như vậy, lóng gỗ trắc mà các bị cáo đã chiếm đoạt không thể được coi là tài sản của Ban quản lý rừng đặc dụng Đ hay của bất cứ cơ quan tổ chức cụ thể nào”.

Sau đó, Tòa án nhân dân cấp cao đã hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại với nhận định: Rừng đặc dụng Đ là tài sản của Nhà nước, đã được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đ quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, mục đích của các bị cáo là chiếm đoạt cây gỗ Trắc đã chết khô trong rừng đặc dụng Đ để bán lấy tiền. Các bị cáo đã lén lút vào rừng đặc dụng Đ cưa cây gỗ Trắc đã chết khô rồi lấy 1 khúc gỗ Trắc có chiều dài 2,07m, đường kính 27,5cm (trị giá 19.680.000 đồng). Hành vi của các bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo Lê Quốc K, Nguyễn Văn T, Nguyễn Ngọc B và Phan Tiến D về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố các bị cáo Lê Quốc K, Nguyễn Văn T, Nguyễn Ngọc B và Phan Tiến D không phạm tội “Trộm cắp tài sản” là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật[1].

leftcenterrightdel
 Bắt tạm giam một đối tượng trộm cắp tài sản. Ảnh Báo Phú Yên

Ví dụ 2: Trong lúc điều khiển xe mô tô trên đường, Nguyễn Tấn L, Nguyễn Hữu H  nhìn thấy anh C điều khiển xe lạng lách phía trước nên tức giận, khi anh C vừa dừng xe đợi đèn xanh thì L và H xông đến dùng tay, chân và nón bảo hiểm đánh anh C khiến anh C phải bỏ xe mô tô lại để chạy thoát thân, ngay sau đó L và H chiếm đoạt luôn xe mô tô trị giá 37 triệu đồng của anh C bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Bản án sơ thẩm số 243/2017/HSST ngày 12/12/2017 của TAND thành phố T, tỉnh B áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS, xử phạt Nguyễn Tấn L và Nguyễn Hữu H mỗi bị cáo 8 năm tù về tội cướp tài sản.

Sau khi xét xử cả hai bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án hình sự phúc thẩm số 28/2018/HSPT ngày 29/3/2018 của TAND tỉnh B áp dụng khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999, xử phạt  Nguyễn Hữu H 2 năm 10 tháng tù; Nguyễn Tấn L 02 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 31/7/2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã kháng nghị giám đốc thẩm số 129/QĐ-VC3-V1 đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 28/2018/HSPT ngày 29/3/2018 của TAND tỉnh B theo hướng hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm đúng pháp luật. TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng nghị của VKS.

Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố T đã áp dụng đúng tội danh. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lại chuyển tội danh đối với các bị cáo từ tội cướp tài sản sang tội trộm cắp tài sản là không đúng hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên thực tế, các bị cáo đã công khai dùng vũ lực tấn công bị hại rồi chiếm đoạt tài sản ngay sau đó chứ không lén lút lấy trộm tài sản của bị hại, đây là dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản.

Ngoài ra, một số trường hợp còn nhầm lẫn giữa tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS với hành vi dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản trong tội cướp tài sản. Để phân biệt, làm rõ được vấn đề này có thể vận dụng tinh thần tại mục 6 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Liên ngành Trung ương; theo đó khi áp đụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS (nay là điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015) cần chú ý: Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.

Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.

Thứ hai, trong việc tổng hợp hình phạt

leftcenterrightdel
Báo cáo về việc giải quyết vụ án (Ảnh: Đinh Thắng) 

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là tổng hợp các hình phạt được tuyên trong các bản án khác nhau thành một loại với mức cao hơn hoặc cao nhất của một hình phạt đã tuyên. Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát chặt chẽ việc tổng hợp hình phạt của Tòa án nhằm phát hiện được vi phạm, qua đó kịp thời tham mưu lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị yêu cầu tổng hợp lại theo đúng quy định của pháp luật; tránh để một bản án bị tổng hợp nhiều lần hoặc tổng hợp sai…nhưng Kiểm sát viên không phát hiện được như trường hợp dưới đây:

Tại Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C: Xử phạt Trần Thị Liên 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt 2 năm tù của Bản án số 13/2012/HSST ngày 16/3/2012 của TAND huyện K. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 2 năm 9 tháng tù.

Tại Bản án số 07/2015/HSST ngày 28/01/2015 TAND thành phố H: Xử phạt Trần Thị Liên 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt 2 năm 9 tháng tù của Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 5 năm 9 tháng tù.

Tại Bản án số 16/2015/HSST ngày 18/3/2015 của TAND huyện G: Xử phạt Trần Thị Liên 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt 2 năm 9 tháng tù của Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 4 năm tù. Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị và đã có hiệu lực pháp luật.

Ngày 30/5/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy một phần Bản án số 16/2015/HSST ngày 18/3/2015 của TAND huyện G về phần tổng hợp hình phạt đối với bị án Trần Thị Liên để tổng hợp lại theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, Bản án số 07/2015/HSST ngày 28/01/2015 của TAND thành phố H đã tổng hợp hình phạt 02 năm 09 tháng tù của Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 bản án là 05 năm 09 tháng tù.

Tuy nhiên, Bản án số 16/2015/HSST ngày 18/3/2015 của TAND huyện G đã không tổng hợp với hình phạt của Bản án số 07/2015/HSST ngày 28/01/2015 của TAND thành phố H, mà lại tổng hợp hình phạt của Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C là không đúng, dẫn đến Bản án số 10/2014/HSST ngày 25/02/2014 của TAND thị xã C bị tổng hợp 02 lần. Sai sót này, trước hết trách nhiệm thuộc về Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án của TAND huyện G, sau đó là trách nhiệm của KSV được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, đặc biệt là công tác kiểm sát bản án đã không phát hiện ra để kháng nghị phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm để TAND tỉnh tổng hợp hình phạt lại theo đúng quy định của pháp luật[2]

Thứ ba, về xác minh đặc điểm nhân thân của người bị buộc tội

Trong một số vụ án, Cơ quan tiến hành tố tụng không điều tra, xác minh kỹ về đặc điểm nhân thân của người bị buộc tội, dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng chủ thể của tội phạm, áp dụng sai các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…, phải hủy án để điều tra lại.

leftcenterrightdel
 KSV lấy lời khai người tham gia tố tụng (VKS Hà Tĩnh)

Ví dụ: Khoảng 14h20' ngày 14/6/2018, Nguyễn Văn T quan sát thấy tiệm cầm đồ 284  không có người trông coi, nên đã lén lút đột nhập vào bên trong mở tủ kính lấy ra 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6 của ông Lê Văn Đ. Sau khi lấy được điện thoại, T ra ngoài định bỏ trốn thì bị ông Đ phát hiện và tri hô. Thấy vậy, T vứt điện thoại xuống đất bỏ chạy thì ông Đ đuổi theo bắt giữ được.

Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của người thực hiện hành vi phạm tội (không có giấy tờ tùy thân nào) để lập hồ sơ, lý lịch, lập danh chỉ bản mà không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ về đặc điểm nhân thân người phạm tội. Khi tra cứu tiền án, tiền sự cũng chỉ căn cứ danh bản mang tên Nguyễn Văn T (do đối tượng tự khai nhưng không đúng) mà không đối chiếu, tra cứu tên chỉ bản (không so sánh dấu vân tay) nên không phát hiện được chính xác họ tên thật của người phạm tội chính là Nguyễn Văn D (có tiền án), dẫn đến truy tố, xét xử đối với Nguyễn Văn T là không đúng chủ thể của tội phạm và áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là không đúng, đồng thời bỏ lọt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.

Vì thế cho nên, trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ căn cứ vào lời khai của bị can mà còn phải điều tra, thu thập đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng giấy tờ tùy thân của người bị buộc tội như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu; tiến hành các biện pháp cần thiết như ủy thác điều tra, lấy lời khai đối tượng và đại diện gia đình họ, xác minh tại nơi học tập, lao động, cư trú của họ...trên cơ sở đó xác định chính xác đặc điểm nhân thân của người bị buộc tội, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thứ tư, xác định tư cách tham gia tố tụng

leftcenterrightdel
Trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa (VKS Mai Sơn).

Qua nghiên cứu một số bản án về tội trộm cắp tài sản, tác giả nhận thấy trường hợp cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, lẽ ra phải xác định tư cách tham gia tố tụng là bị hại, thế nhưng vẫn có bản án xác định là nguyên đơn dân sự, ví dụ: Trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020, các bị cáo Nguyễn Đình H, Đỗ Văn L, Bùi Văn S sử dụng công cụ là kìm, dao thực hiện 11 vụ cắt trộm dây cáp viễn thông của Viễn thông tỉnh TB trên địa bàn các huyện QP, KX, Thái Thụy, HH, tỉnh TB.

Các bị cáo lấy được 1.188 mét dây cáp viễn thông các loại, trị giá theo kết luận định giá tài sản là 58.134.160 đồng. Bản án số 03/2021/HSST ngày 13/01/2021 của TAND tỉnh TB xác định Viễn thông tỉnh TB là nguyên đơn dân sự.

Vấn đề cần lưu ý, tuy cùng là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, nhưng giữa nguyên đơn dân sự và bị hại lại có những điểm khác nhau như sau: nguyên đơn dân sự chỉ là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, còn bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra; Cùng bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra nhưng khác với bị hại, thiệt hại của nguyên đơn dân sự không phải là đối tượng tác động của tội phạm; cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì mới được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là nguyên đơn dân sự, còn đối với bị hại, dù có hay không có đơn yêu cầu, họ vẫn được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là bị hại.



[1] Quyết định số: 24/2019/HS-GĐT ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

[2] Thông báo rút kinh nghiệm số 49/TB-VC1-V1 ngày 01/7/2020 về Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

 

Cương Nguyễn