Các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt nhằm ngăn chặn, kéo giảm tệ nạn này, trong đó nổi bật là hoạt động của các cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc, số lượng các học viên sau khi cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng thành công chiếm tỉ lệ lớn. Trong số các học viên sẽ có những trường hợp tiến bộ, đạt được thành tích trong học tập, lao động, sản xuất... và được đề xuất xét giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Tuy nhiên, việc áp dụng việc xét giảm hay miễn vẫn là bài toán đau đầu đối với các cơ quan chức năng khi quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa cụ thể. 

leftcenterrightdel
Hoạt động của học viên tại một cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy. Ảnh minh họa 

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 112 như sau: 

“Người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.”

Hướng dẫn quy định trên, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 19 như sau: 

“Học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) công nhận.

Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên”.

Sau khi học viên có đủ các điều kiện nêu trên, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc làm công văn đề nghị Tòa án giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại theo quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH ngày 20/01/2014.

Vậy đặt ra một ví dụ cụ thể như sau: Ngày 01/01/2017, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Văn A trong thời hạn 24 tháng. Ngày 01/03/2017, Nguyễn Văn A bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngày 14/02/2019, cơ sở cai nghiện bắt buộc làm công văn đề nghị Tòa án xét giảm 15 (mười lăm) ngày còn lại cho Nguyễn Văn A. Vậy trường hợp này chính xác là giảm hay miễn chấp hành phần thời gian còn lại? 

Chiếu theo quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP nêu trên thì trường hợp này xét giảm hay miễn đều có ý đúng vì quy định về vấn đề này chưa cụ thể, cả giảm hoặc miễn đều quy định gộp chung nên có thể tùy nghi áp dụng. Nếu xét về mặt thời gian chấp hành còn lại, việc yêu cầu xét giảm của cơ sở cai nghiện bắt buộc đã phù hợp hay chưa? Tuy tính chất giữa hai trường hợp giảm hoặc miễn là giống nhau, đều không cần phải chấp hành số thời gian còn lại theo quy định nhưng ý nghĩa về mặt pháp lý lại khác nhau. Trong trường hợp này, việc áp dụng giảm hay miễn tùy thuộc vào nhận thức, cảm quan và ý chí của các cơ quan chức năng từng địa phương.

Vì vậy, theo ý kiến cá nhân, rất cần có quy định pháp luật riêng về từng trường hợp, phân loại các trường hợp cụ thể về giảm chấp hành phần thời gian còn lại và miễn chấp hành phần thời gian còn lại để có sự áp dụng pháp luật thống nhất, tránh tình trạng mỗi địa phương lại xử lý vấn đề này khác nhau như hiện nay.    

Nguyễn Văn Lộc