Áp dụng không đúng pháp luật
Án sơ thẩm xác định thời điểm chuyển nhượng một phần diện tích đất thuộc thửa số 623 tại ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè là ngày 1/11/2013, trước ngày Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) có hiệu lực nên giao dịch này không được công nhận theo Điều 129 BLDS là không đúng. Bởi, các đương sự mới chỉ thực hiện việc giao tiền, giao đất, chưa thực hiện xong thủ tục chuyển nhượng, sang tên QSDĐ theo quy định. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS thì tranh chấp giữa các đương sự được áp dụng BLDS để giải quyết.
Mặt khác, tại phần quyết định của án sơ thẩm áp dụng các Điều 501, 502, 503 BLDS để giải quyết vụ án nhưng lại không xem xét áp dụng Điều 129 của BLDS, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn trong vụ án. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 129 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Như vậy, phía chị Lan đã giao đủ tiền chuyển nhượng và phía anh Mười đã giao đất cho chị Lan canh tác từ năm 2013 đến nay nên theo quy định trên, mặc dù Tờ giao kèo bán đất không được công chứng đúng quy định nhưng giao dịch chuyển nhượng giữa các đương sự vẫn có hiệu lực.
|
|
Trụ sở VKSND huyện Cái Bè (Tiền Giang).
|
Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của bị đơn, bà Nguyễn Thị Mười, anh Huỳnh Thanh Vũ trình bày đều biết rõ phía chị Lan trồng cây trên đất nhưng không ngăn cản hay trình báo với chính quyền địa phương để giải quyết. Đồng thời, quá trình nhận đất sử dụng từ năm 2013 đến nay, phía chị Lan không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hành chính về đất đai.
Do đó, theo quy định tại tiểu mục b.3 Mục b Khoản 2.3 Phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa các đương sự được công nhận.
Quyết định giải quyết vụ án không phù hợp quy định pháp luật
Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện các thành viên có QSDĐ chung trong hộ gia đình ông Huỳnh Văn Mười còn có: Nguyễn Thị Mười, Huỳnh Thanh Vũ, Huỳnh Thanh Trường. Án sơ thẩm cho rằng có sự giả dối trong tờ giao kèo bán đất do anh Huỳnh Thanh Vũ không có mặt và không ký tên, không thể hiện ý chí đầy đủ của các thành viên trong hộ gia đình anh Mười khi lập tờ giao kèo. Từ đó, làm cơ sở không công nhận việc thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ giữa các đương sự là không khách quan, chưa xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể:
Tại phiên tòa, phía anh Huỳnh Thanh Vũ xác định, tại thời điểm ngày 1/11/2013, khi cha mẹ anh và chị Lan thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ anh không biết, nhưng khi biết việc chuyển nhượng QSDĐ, anh không tranh chấp, không phản đối khi chị Lan trồng cây trên đất. Từ đó, cho thấy ý chí anh Vũ cũng đồng ý khi biết ông Mười, bà Mười, anh Trường chuyển nhượng phần đất trên cho chị Lan. Đồng thời, tại phiên tòa, bà Mười xác định số tiền nhận chuyển nhượng QSDĐ bà sử dụng để chơi hụi, chi trả cho sinh hoạt chung trong gia đình...
Theo GCNQSDĐ số vào sổ 726-QSDĐ ngày 23/02/1998, UBND huyện Cái Bè cấp cho hộ ông Huỳnh Văn Mười được quyền sử dụng thửa đất số 623 diện tích 3.375 m2. Như vậy, theo quy định pháp luật, mỗi người trong gia đình sẽ được sử dụng 1 phần QSDĐ chung trong hộ tương đương diện tích 843 m2, việc ông Mười, bà Mười, anh Trường định đoạt chuyển nhượng cho chị Lan diện tích 1.161,1 m2 nằm trong thửa đất số 623 diện tích 3.375 m2 là phù hợp với phần sở hữu, sử dụng của mỗi người trong tài sản chung của hộ gia đình...
Xác định những vi phạm nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự nên Viện trưởng VKSND huyện Cái Bè đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án nêu trên.