Bảo đảm bình đẳng, khách quan, dân chủ, công khai

Mới đây, VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch tổ chức thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát năm 2018. Theo Kế hoạch, việc tổ chức thi tuyển phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Viện trưởng VKSND tối cao quản lý thống nhất công tác tổ chức cán bộ trong Ngành. Bên cạnh đó, việc thi tuyển phải bảo đảm bình đẳng, khách quan, dân chủ, công khai trong quá trình tổ chức thi tuyển; lựa chọn được người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 để bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp; đồng thời nội dung thi phải sát với yêu cầu cần có của mỗi chức danh này, bảo đảm cho mỗi ứng viên phát huy năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

leftcenterrightdel
Các thí sinh làm bài thi tại kỳ thi tuyển Kiểm sát viên năm 2016 khu vực phía Bắc 

Về nguyên tắc, Kế hoạch nêu rõ: Việc tổ chức tuyển chọn, thi tuyển được thực hiện theo nguyên tác công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh (có số dư). Đối với các đơn vị có khó khăn, không đảm bảo về nguồn dự thi thì không nhất thiết thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh. Người dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao hơn phải đang giữ ngạch thấp hơn liền kề. Người đăng ký dự thi có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo quy định trước khi Hội đồng thi tuyển phê duyệt danh sách ứng viên dự thi. Người trúng tuyển phải có đủ các bài thi của các môn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi 50 điểm trở lên (chưa nhân hệ số); có tổng điểm thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu mỗi ngạch Kiểm sát viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi được phê duyệt.

Cụ thể về đối tượng tham gia dự thi

Về đối tượng tham gia dự thi, Kế hoạch nêu rõ: Thứ nhất, Kiểm sát viên cao cấp là: Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Kiểm tra viên chính, Chuyên viên chính trở lên có đủ thời gian công tác theo quy định, hiện đang công tác tại VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh; Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai; Kiểm sát viên trung cấp là Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chưa dự thi Kiểm sát viên cao cấp. Người dự thi ở VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh có đăng ký nguyện vọng về công tác tại VKSND cấp cao nào thì phải có ý kiến đồng ý của VKSND cấp cao đó; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND cấp cao đã đăng ký.

Thứ hai, Kiểm sát viên trung cấp là: Kiểm sát viên sơ cấp; Điều tra viên sơ cấp, Kiểm tra viên trở lên có đủ thời gian công tác theo quy định, công tác tại VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Người dự thi là Kiểm sát viên sơ cấp công tác tại VKSND cấp huyện đang giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện (Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện không theo đơn vị đã phân bổ, chỉ thực hiện chỉ tiêu đã phân bổ cho cấp huyện, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc có cạnh tranh). 

Người dự thi là Kiểm sát viên sơ cấp công tác tại VKSND cấp huyện không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng có đăng ký nguyện vọng về công tác tại VKSND cấp tỉnh thì Ủy ban kiểm sát VKSND cấp tỉnh xem xét, quyết định; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND cấp tỉnh; đồng thời Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm điều động công chức ở VKSND cấp tỉnh đến VKSND cấp huyện để bảo đảm Viện kiểm sát hai cấp đều ổn định biên chế và thực hiện tốt nhiệm vụ. Người dự thi là Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh có đăng ký nguyện vọng về công tác tại VKSND cấp cao nào thì Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh xem xét, quyết định và được VKSND cấp cao nơi người đó đăng ký đồng ý; sau khi trúng tuyển được điều động, bổ nhiệm đến VKSND cấp cao đã đăng ký.

Thứ ba, Kiểm sát viên sơ cấp là: Kiểm tra viên công tác tại VKSND các cấp và Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn

Cũng theo Kế hoạch, ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn như: Đối với người dự thi Kiểm sát viên cao cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp theo quy định tại Điều 75 và Khoản 1 Điều 79 Luật tổ chức VKSND 2014 (đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm). Trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên mà có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên (Khoản 2 Điều 79 Luật Tổ chức VKSND năm 2014) đang giữ ngạch Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Kiểm tra viên chính, chuyên viên chính trở lên được dự thi phải hiện giữ hệ số lương từ 4,74 trở lên; trường hợp đang giữ hệ số lương 4,40 (được ít nhất 24 tháng) được tham gia dự thi thì phải đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương); có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị.

Đối với người dự thi Kiểm sát viên trung cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp theo quy định tại Điều 75 và Điều 78 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và phải là đảng viên Đảng CSVN. Đối với người dự thi Kiểm sát viên sơ cấp: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp theo quy định tại Điều 75 và Điều 77 Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Bên cạnh đó, ứng viên đăng ký dự tuyển phải được cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá quá trình công tác liên tục trong 03 năm trước đó (2015, 2016, 2017) hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trường hợp trong ba năm trước đó có 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì được xem xét; được tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi ứng viên công tác đồng ý và thống nhất cử ứng viên đăng ký tham gia dự thi tuyển. Ngoài ra, ứng viên đăng ký dự tuyển phải đạt trên 50% số phiếu của Ủy ban kiểm sát thống nhất giới thiệu tham gia dự thi; được cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú; không trong thời gian đang xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định.

Về hồ sơ ứng viên đăng ký thi tuyển gồm: đơn đăng ký thi tuyển; tờ trình của Ủy ban kiểm sát cùng cấp xét tuyển người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và khả năng để dự thi; sơ yếu lý lịch (khai theo mẫu quy định không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhân sự); bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất; nhận xét đánh giá của lãnh đạo đơn vị; bản sao có công chứng về trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát (đối với người dự thi chưa phải là Kiểm tra viên, Kiểm sát viên); ý kiến đồng ý của Viện cấp cao (đối với người dự thi về Viện cấp cao); nhận xét đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền nơi cư trú; giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (có giá trị trong thời hạn 12 tháng).

Về hình thức, nội dung, thời gian và địa điểm thi, cách tính điểm thi, Kế hoạch nêu: Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh đối với ứng viên của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào. Bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi (điểm thi viết: 100, tính hệ số 2; điểm thi trắc nghiệm: 100, tính hệ số 1).

Căn cứ kết quả thi, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả thi và báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, công nhận kết quả thi và bổ nhiệm Kiểm sát viên theo quy định.

P.V

Xem toàn bộ nội dung Kế hoạch tại đây: ke-hoach-thi-ksv-2018.pdf