Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, lực lượng CAND Việt Nam luôn xác định rõ việc truy nã tội phạm bỏ trốn là một yêu cầu cấp thiết. công tác này gặp nhiều khó khăn, đôi khi tưởng chừng như “mò kim đáy bể” nhưng lực lượng công an luôn xác định: “Dù đối tượng truy nã có trốn ở đâu cũng không thể thoát”.

 


Đối tượng người Việt vượt biên cũng không thoát

Trong các vụ việc bắt đối tượng truy nã người Việt trốn ở nước ngoài, điển hình phải kể đến vụ đối tượng Giang Kim Đạt, nguyên Quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines. Tháng 11-2010, biết tin Đạt bỏ trốn, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can Giang Kim Đạt, ra quyết định truy nã, gửi thông báo đến Interpol.

Quá trình truy xét, cơ quan điều tra đã dựng được hành trình trốn chạy truy nã 5 năm của Đạt. Theo đó, bị can đã di chuyển từ Việt Nam sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong 5 năm đó, điểm dừng chân lâu nhất của Đạt là Singapore. Được sự phối hợp của cơ quan an ninh nước bạn và Interpol, Ban chuyên án phát hiện Giang Kim Đạt sống trong một căn hộ cao cấp trị giá hơn 3 triệu USD ở Singapore. Ngày 7-7-2015, sau hơn 5 năm trốn truy nã, Giang Kim Đạt “sa lưới”.

Hay như đầu tháng 3-2016 vừa qua, đối tượng Trịnh Xuân Lý, 54 tuổi, thường trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng đã bỏ trốn qua nhiều nước châu Âu suốt 24 năm nhưng khi vừa đặt chân đến Sân bay quốc tế Nội Bài đã bị lực lượng Công an Việt Nam bắt giữ. Trịnh Xuân Lý bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra Lệnh truy nã số 120 ngày 18-11-1995 về hành vi gian dối trong sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty tư doanh Nam Thái không thực hiện hợp đồng đã ký kết với Liên hiệp Vy Co để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp này.

Năm 1992, Lý trốn sang Nga làm ăn. Đến cuối năm 1992, đối tượng sang Đức tị nạn và đến năm 2008 được cơ quan chức năng Đức cấp giấy phép cư trú dài hạn cho đến thời điểm bị bắt. Vượt qua khó khăn, thách thức Những năm gần đây, chính sách mở cửa của Việt Nam đã thu hút được hàng triệu lượt du khách nước ngoài, Việt kiều đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Trong số những người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống, du lịch tại Việt Nam, có đối tượng đã từng phạm tội ở nước ngoài, bị cơ quan chức năng nước ngoài truy nã, chúng lợi dụng Việt Nam để lẩn trốn hoặc tiếp tục hoạt động phạm tội.

Bên cạnh đó, do sự phát triển của khoa học, công nghệ, phương tiện giao thông đi lại tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi nên số đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài có xu hướng tăng. Các đối tượng truy nã của Việt Nam thường bỏ trốn sang các quốc gia láng giềng và các nước có nhiều người Việt Nam sinh sống, làm ăn như Nga, Trung Quốc, Lào, Mỹ, Campuchia… Nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ tùy thân giả để nhập cảnh và cư trú tại nước sở tại. Điều đó gây khó khăn, thách thức với lực lượng thi hành pháp luật Việt Nam và các nước.

Bên cạnh đó, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ phục vụ công tác xác minh, truy bắt, dẫn độ đối tượng truy nã còn hạn chế và chậm được cập nhật, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác truy nã tội phạm, điển hình là việc gửi ảnh và dấu vân tay của đối tượng truy nã chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn của tổ chức Interpol.

Nhằm đấu tranh với tội phạm có lệnh truy nã quốc tế, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các Hiệp định về phòng chống tội phạm, dẫn độ tội phạm; tham gia, đề xuất xây dựng mới và ký kết một số Hiệp định về phòng chống tội phạm và dẫn độ tội phạm đối với các nước như Australia, Indonesia, Hungary, Algeria... tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phối hợp truy bắt, dẫn giải các đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại.

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát truy nã Công an Việt Nam từ khi được thành lập vào năm 2009 đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và các lực lượng chức năng tổ chức xác minh, bắt giữ và bàn giao cho phía nước ngoài 225 đối tượng do các cơ quan chức năng nước ngoài truy nã; bắt giữ và tiếp nhận 160 đối tượng truy nã của Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài. Đối với các đối tượng có lệnh truy nã quốc tế, yêu cầu đòi hỏi bắt giữ lại càng khó khăn hơn khi hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nhiều quốc gia chưa có sự phối hợp thống nhất.

Để khắc phục hạn chế này, hiện Việt Nam đã đề nghị nhiều quốc gia có sự phối hợp trong hoạt động tương trợ tư pháp, qua đó, hỗ trợ bắt giữ tội phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. “Dù đối tượng truy nã có trốn ở đâu cũng không thể thoát” - Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an khẳng định.
 

Theo Văn Trường/ANTD.VN

.