Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các Phó Chánh án TANDTC; Thẩm phán Nagahashi Masanori, đại diện JICA tại Việt Nam; cùng đại diện Thành uỷ, Tỉnh uỷ và Tòa án 16 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm hoà giải, đối thoại.
Hòa giải, đối thoại thành gần 40.000 vụ việc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, do đó tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
|
|
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị |
Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND thành phố Hải Phòng và 09 TAND cấp huyện, đạt được những kết quả quan trọng.
Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, TANDTC tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả thực hiện các hoạt động thí điểm về hòa giải và đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định chính sách và xây dựng Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thay mặt lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND trình bày báo cáo về công tác tổng kết thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ, việc, trên tổng số 47.492 vụ, việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ, việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải giải quyết 36.985 vụ, việc theo thủ tục tố tụng.
|
|
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền trình bày báo cáo tại Hội nghị |
Trong số các vụ, việc hòa giải, đối thoại thành, có 32.994 vụ, việc về hôn nhân và gia đình (chiếm tỷ lệ 89,2%); 3.125 vụ án về dân sự (chiếm tỷ lệ 8,45%), 459 vụ án về kinh doanh, thương mại (chiếm tỷ lệ 1,24%), 300 khiếu kiện hành chính (chiếm tỷ lệ 0,82%), 107 vụ án về lao động (chiếm tỷ lệ 0,29%).
Đối với những vụ, việc hòa giải, đối thoại không thành (9.169 vụ, việc), qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên, Đối thoại viên đã giải thích pháp luật cho đương sự, giúp các bên tranh chấp, khiếu kiện củng cố được đầy đủ hồ sơ khởi kiện, nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án, tránh việc phải yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Nghệ An, TAND quận Bình Tân, TP.HCM, cùng một số Hòa giải viên, Đối thoại viên trình bày các tham luận về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại, trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả khi đối thoại các khiếu kiện hành chính.
Các đơn vị đều đánh giá cao tính hiệu quả từ khi triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại, coi đây là giải pháp hữu hiệu làm giảm tải lượng án tại các Tòa án, là giải pháp thiết yếu cần đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng pháp luật và triển khai thiết chế này rộng rãi trên toàn quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cho rằng đây là chủ trương sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Thông qua Đề án, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, dễ dẫn đến xung đột đã được đối thoại và hòa giải thành công. Việc thực hiện thí điểm Đề án đã tháo gỡ được những khó khăn, mang lại hiệu quả trong công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, làm giảm bất đồng, căng thẳng giữa các bên.
Tại Hội nghị, một số đại biểu cũng kiến nghị cần trang bị các phương tiện làm việc, máy móc cho các Trung tâm hòa giải, đối thoại và tạo cơ chế hỗ trợ cho Đối thoại viên, Hòa giải viên làm việc đạt kết quả cao.
Cơ sở pháp lý vững chắc thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao về công tác thực hiện thí điểm đổi mới trong hòa giải, đồng thời biểu dương sự quyết tâm của TANDTC, cùng 16 đơn vị thực hiện thí điểm cũng như sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền tại địa phương triển khai thí điểm.
|
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao về công tác thực hiện thí điểm đổi mới trong hòa giải, đồng thời biểu dương sự quyết tâm của TANDTC |
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, việc thí điểm về đổi mới trong công tác hòa giải, đối thoại là tiền đề, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sớm được Quốc hội thông qua.
Để việc thí điểm mang lại kết quả cao, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị TANDTC tạo cơ chế để hỗ trợ cho các Trung tâm hòa giải mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo niềm tin đối với nhân dân trong hệ thống Tòa án.
|
|
Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương trao tặng Bằng khen cho các Trung tâm Hòa giải và các cá nhân tiêu biểu |
Kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, công tác thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Thành công của công tác thí điểm đã đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của các Tòa án triển khai thí điểm và đặc biệt là sự tham gia nhiệt huyết, trách nhiệm của các Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay TANDTC đang hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội thông qua.
“Chúng ta đã hình thành nên một phương thức mới, một mô hình phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; huy động được nguồn lực xã hội để giải quyết hiệu quả tranh chấp, khiếu kiện, qua đó giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng quán triệt việc tăng cường phối hợp thực hiện hòa giải, đối thoại, tạo điều kiện để TANDTC thực hiện thành công Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại.
Cũng tại Hội nghị, những cá nhân và đơn vị có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác hòa giải đối thoại tại Tòa án đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chánh án TANDTC
Các Trung tâm Hòa giải được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
1. Trung tâm Hòa giải tại TAND tỉnh Nghệ An
2. Trung tâm Hòa giải tại TAND tỉnh Long An
3. Trung tâm Hòa giải tại TAND quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh
4. Trung tâm Hòa giải tại TAND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
5. Trung tâm Hòa giải TAND quận Đống Đa, TP Hà Nội
Các cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
1. Bà Nguyễn Thị Mai- nguyên Chánh án TAND TP Hải Phòng
2. Bà Trần Thị Nhanh- Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải tại TAND tỉnh Long An
|