Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” của VKSND tối cao liên quan đến công tác phối hợp với CQĐT giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng cho thấy, để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, VKS các cấp đã phối hợp chặt chẽ, gắn chặt với CQĐT từ khi thụ lý, xác minh tố giác, tin báo tội phạm.

leftcenterrightdel
VKSND đã phối hợp với các cơ quan tố tụng giải quyết đúng pháp luật nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Ảnh: C.T.V

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên đã gắn chặt với Điều tra viên nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, chủ động đề ra các yêu cầu điều tra, khẩn trương điều tra thu thập chứng cứ chứng minh hành vi tội phạm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với CQĐT kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, không để đối tượng chuyển nhượng, che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án dư luận xã hội quan tâm, kiên quyết bảo vệ quan điểm về tội danh, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, bảo vệ và thu hồi tài sản Nhà nước. Đối với các vụ án phức tạp đã chủ động, kịp thời tổ chức họp liên ngành bàn thống nhất đường lối, định hướng điều tra. Đồng thời, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Thành ủy và Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp, để nâng cao năng lực và thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án thuộc thẩm quyền, góp phần hỗ trợ đắc lực việc thực hiện chức năng công tố của VKSND, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp tiếp nhận, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác điều tra thu thập chứng cứ để làm rõ vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp nên hoạt động này đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng ngày được nâng cao.

Cùng với đó, để đấu tranh với loại tội phạm này có hiệu quả, CQĐT đã kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng trong hoạt động tự pháp được dư luận đồng tình; kiên quyết xử lý nghiêm minh với những người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật dẫn đến làm oan người vô tội.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa các vi phạm, tội phạm này, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ban hành 440 kiến nghị đến các cơ quan tư pháp các cấp. Trong năm 2018 - 2019 đã tham mưu với Lãnh đạo VKSND tối cao ký ban hành 6 kiến nghị tổng hợp các dạng vi phạm trong hoạt động tư pháp gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp để chỉ đạo khắc phục và phòng ngừa chung.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nhằm thực hiện tốt chủ trương tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, VKS các cấp đã chú trọng thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ.

P.V