Thời gian gần đây, lợi dụng dịch bệnh cúm trên gia cầm, các bệnh sởi, thủy đậu, bệnh tay chân miệng... bùng phát, tại nhiều địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, do chưa cập nhật đầy đủ thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh nên một số đối tượng đã giả danh cán bộ y tế tiến hành công tác “phòng dịch, dập dịch” lừa đảo người dân để bán các hóa chất với giá “trên trời”. Hành vi lừa đảo này không mới, song các đối tượng lừa đảo đã biến tướng các chiêu thức khiến không ít người dân vẫn sập bẫy, mất tiền oan.

Biến tấu từ chiêu thức cũ

Mới đây, Công an huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng phá án thành công, bắt nhanh 2 đối tượng giả danh cán bộ của Bộ Y tế để lừa đảo bán hóa chất phun khử khuẩn, phòng chống dịch nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân. Hai đối tượng là Nguyễn Khắc Quyết (25 tuổi, trú xóm 1, thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thơm (24 tuổi, trú đội 8, thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Theo lời khai ban đầu từ hai đối tượng, chúng thường tìm gặp những người có con nhỏ, tự giới thiệu là cán bộ y tế của Bộ Y tế đến thực hiện chương trình do Bộ Y tế triển khai để dập dịch, vệ sinh môi trường; phòng bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em, dịch sởi và phòng bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Để khiến người dân tin tưởng, bọn chúng đưa ra các giấy giới thiệu ghi là của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường (giấy giả mạo có đóng dấu đỏ - PV); các gói hóa chất (25 gói) đều ghi nhãn mác của trung tâm này. Chúng đưa ra 5 gói hóa chất để “diệt trừ các côn trùng”; tư vấn cách sử dụng... Chúng nói hóa chất, thuốc thì được cấp phát miễn phí nhưng mỗi gia đình phải đóng lệ phí 80.000 đồng/tháng. Chương trình tiến hành liên tục trong 1 năm, lệ phí mỗi hộ là 960.000 đồng.Cũng qua đấu tranh khai thác, cặp đôi này khai nhận đã lừa được 3.760.000 đồng của nhiều người dân và nhiều tài sản có giá trị khác, trong đó có 1 dây chuyền, 1 nhẫn và 2 bông tai đều bằng vàng 18K. Chúng còn khai thêm, sau khi vào Quảng Trị và thuê trọ tại phường 1 (TP. Đông Hà), Quyết - Thơm cùng một số đối tượng khác đã bàn bạc, thống nhất, phân chia nhau địa bàn để tiếp cận người dân, thực hiện hành vi lừa đảo.
 

Đối tượng Quyết đang bị tạm giữ tại cơ quan công an.
Đối tượng Quyết đang bị tạm giữ tại cơ quan công an.


Cùng thời gian này, ở một số phường trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận những trường hợp lừa đảo tương tự. Những kẻ lừa đảo thường ăn mặc rất lịch sự, xách theo cặp với 1 giấy giới thiệu có đóng dấu của phường, mang theo bảng danh sách, phiếu thu chi... và thông báo với các hộ gia đình là cán bộ phường xuống thu tiền phun thuốc diệt muỗi. Những người này cho biết, phường sẽ hỗ trợ thuốc muỗi nhưng các hộ gia đình sẽ phải tự trả tiền công phun thuốc, chi phí là từ 200.000 - 500.000 đồng/hộ, thu tiền xong vài ngày sẽ có người đến tận nhà phun thuốc muỗi. Bọn lừa đảo thường chọn thời gian buổi sáng, giữa chiều - thời điểm giờ hành chính, ở các gia đình chỉ có người già, trẻ em để dễ lừa đảo. Và có không ít những hộ đã bị lừa, đưa tiền cho chúng nhưng “đợi dài cả cổ” cũng chẳng hề có nhân viên nào đến nhà phun thuốc.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Trung tá Bùi Văn Đang - Trưởng Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Chiêu thức của bọn lừa đảo thì đã có rất nhiều, nhưng quả thật, mức độ cảnh giác của người dân không phải lúc nào cũng đủ độ sáng suốt để tránh được các chiêu lừa của người xấu. Thậm chí, ngoài chiêu “phun thuốc muỗi”, bán hóa chất khử khuẩn, một số đối tượng xấu còn dùng chiêu lừa bán thuốc phân hủy bồn cầu và đòi vào trong nhà để tự đổ cho đúng quy trình. Đã có nhiều người nhẹ dạ mắc bẫy, còn đa phần người dân tại thành phố giờ đã tiếp cận các nguồn thông tin bằng nhiều phương tiện đa dạng đều đã biết tự phòng tránh những chiêu lừa đảo như vậy. Hơn nữa, tội danh này cũng bị xử phạt không nặng lắm nên các đối tượng biến tấu các chiêu lừa cũ để chiếm đoạt tiền của người dân.

 

Trung tá Đang cũng cho biết thêm: Người dân không nên tin vào những đối tượng mang hàng đến bán tận nhà. Nếu hàng chất lượng thì không có giá rẻ và khuyến mại tận nhà. Không nên tin vào những lời chiêu dụ như mua 3 tặng 1, giảm 50% giá thành... Khi thấy những người xưng là cán bộ nhân viên phường hay cơ quan, đơn vị nào thì yêu cầu xuất trình giấy tờ và lập tức hỏi tổng đài số điện thoại của cơ quan, đơn vị đó để gọi xác minh. Nếu thấy có biểu hiện đáng ngờ thì truy hô cho mọi người cùng can thiệp, báo lực lượng chức năng địa phương kịp thời đến kiểm tra xử lý.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi xảy ra dịch bệnh tại cộng đồng thì quy trình kiểm soát dịch bệnh sẽ phải tuân thủ chặt chẽ vào quy trình kiểm soát dịch bệnh do Bộ Y tế quy định, có sự phối hợp của nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương, thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định. Hóa chất và thuốc trong công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai theo quy định, không thu phí trực tiếp từ người dân.  
 

Theo SK&ĐS