Cuối tuần qua, nhiều bị hại trong vụ án Nguyễn Thị Liễu (SN 1965, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Báo Bình Định đã thông tin) đã được Cơ quan CSĐT triệu tập đến để phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

 


Hầu hết bị hại đều rất bức xúc với hành vi lừa đảo của đối tượng Nguyễn Thị Liễu.

Chị Huỳnh Thị H. (SN 1973, ở khối 1, thị trấn Phú Phong) thừa nhận: “Đúng là tụi tui tham, tham vì lãi suất cao hơn ngân hàng mà mù quáng, có bao nhiêu cũng góp đưa hết cho bà Liễu. Cứ đưa 100 triệu đồng là ngay lập tức, bà Liễu đưa lại 5 triệu”. Vì vậy, không chỉ cho vay tiền của mình, chị H. còn vay tiền của nhiều người thân, bạn bè với lãi suất 3% để đưa bà Liễu hưởng lãi suất chênh lệch 2%/ tháng. Khoảng đầu 2012, bà Liễu bắt đầu hỏi vay chị Huỳnh Thị H., ban đầu chỉ 100 triệu, rồi 200 triệu đồng. Bà Liễu trả tiền lãi cho chị H. hết sức sòng phẳng, thậm chí lúc chị H. cần tiền gốc, bà Liễu cũng trả ngay. Chị H. kể, lần nào đến nhà bà Liễu, chị cũng thấy bà ăn chay, niệm Phật, rồi lại thấy bà Liễu làm từ thiện nữa, nên chị càng tin người như bà Liễu không thể lừa đảo ai được. Vì vậy, chị H. gom tiền đưa bà Liễu vay ngày càng nhiều hơn. Năm 2013, khi nghe phong phanh bà Liễu vỡ nợ, chị H. được bà Liễu hẹn đến trả tiền gốc. Vậy nhưng khi đến nhà, thấy bà Liễu đang ngồi đếm khá nhiều tiền, toàn tờ mệnh giá 500 nghìn đồng, chị bỏ ý định đòi nợ vì nghĩ bà Liễu có nhiều tiền thế thì làm sao vỡ nợ được. Chị Huỳnh Thị H. nhận xét, bà Nguyễn Thị Liễu luôn biết cách làm người cho vay tin tưởng, yên tâm về khả năng tài chính của mình dù thực tế bà Liễu đã bắt đầu vỡ nợ từ năm 2012. Tổng cộng chị Huỳnh Thị H. cho bà Liễu vay 1,3 tỉ đồng.

Còn chị Võ Thị Bích V. (SN 1974, ở khối 2, thị trấn Phú Phong) thì ngậm ngùi: “Tôi cho bà Liễu vay tổng cộng 3 tỉ đồng, đó là có giấy tờ đàng hoàng, một số không có giấy tôi không tính”. Chị V. kể, cuối năm 2012, chị bị bệnh, gia đình bà Liễu quan tâm, hỏi han tận tình, rồi còn chở chị ra sân bay để vào Sài Gòn chữa trị. Và đây là thời điểm bà Liễu vay của chị V. nhiều nhất. Khi nhà hết tiền, chị V. huy động tiền từ anh em, người quen để cho bà Liễu vay vì nghĩ, lúc mình đau ốm, bà Liễu giúp như vậy, tốt như vậy thì không thể lừa đảo được. Giờ nghĩ lại, chị V. đúc kết: “Bà Liễu giúp ai việc gì đều có mục đích hết, bên ngoài bà Liễu luôn thể hiện người ăn ở có đức nhưng bên trong thì khác”.

Bà Diệp Thị Cẩm T. (SN 1961, ở đường Quang Trung, thị trấn Phú Phong) là một trong những người cho bà Liễu vay nhiều nhất. Tính đến thời điểm bị bắt, bà T. cho vợ chồng bà Liễu vay 16 tỉ đồng. Theo bà T., lúc nào bà Liễu cũng mang theo một xấp hồ sơ, giấy tờ, nói là dự án mở khu chế xuất ở xã Bình Nghi, khi nào dự án khởi công thì Nhà nước mới rót tiền về nên cần vốn để tập trung cho dự án này. Là chỗ quen biết, bà T. không ngần ngại cho bà Liễu vay với số tiền lớn.

Ngày 13.10, Cơ quan CSĐT CA tỉnh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Liễu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Thị Liễu thành lập DNTN thương mại Hữu Tình và làm giám đốc, trong 2 năm hoạt động đã 3 lần thay đổi đăng ký ngành nghề kinh doanh. Lần cuối cùng công ty này đăng ký kinh doanh với các ngành nghề: văn phòng phẩm, dịch vụ ăn uống giải khát, in ấn, san lấp mặt bằng… Mặc dù đăng ký nhiều ngành nghề như vậy nhưng vợ chồng Liễu làm ăn không hiệu quả, thực tế cũng không kinh doanh nhiều ngành nghề như đã đăng ký mà chỉ dựa mác công ty để vay tiền, lừa đảo.

Năm 2009, vợ chồng Liễu đã không có khả năng chi trả khoản nợ 3,7 tỉ đồng do làm ăn thua lỗ. Thế nhưng Liễu và chồng cố tình giấu giếm điều này bằng cách vay tiền với lãi suất cao. Thời điểm bị bắt, Nguyễn Thị Liễu vay tổng cộng là 52 tỉ đồng và không có khả năng trả nợ. Tài sản của Nguyễn Thị Liễu hiện tại không còn gì.

 

Theo Báo Bình Định

.