Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Vụ 3, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của đơn vị, đồng thời tin tưởng, Vụ 3 sẽ tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.
|
|
Vụ 3 đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Ảnh: PV |
Nâng cao chất lượng công tác THQCT, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử
Chia sẻ về những kết quả đơn vị đạt được, Vụ trưởng Vụ 3 Lê Tiến cho biết, trong năm 2019, tình hình tội phạm về kinh tế tiếp tục có diễn biến phức tạp và nghiêm trọng; trong đó, phần lớn là tội phạm trong lĩnh vực thương mại như: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán hàng cấm và trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như: Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí... Dự báo trong thời gian tới, tội phạm trong lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng còn có diễn biến phức tạp, trong đó, ngoài những vụ án mới được phát hiện về Tội Buôn lậu, Lừa đảo hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (liên quan đến pháp nhân, dưới hình thức kinh doanh đa cấp) còn có các vụ việc tiếp tục được điều tra làm rõ do phát sinh từ quá trình xử lý các khoản nợ tại các Ngân hàng thương mại.
Trước tình hình đó, Vụ 3 đã bám sát các nội dung Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018; Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2019; yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp để xây dựng Chương trình công tác năm và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Đồng thời, đơn vị đã kịp thời có những chỉ đạo Kiểm sát viên (KSV) ban hành các yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra; bám sát tiến độ điều tra, phối hợp cùng Điều tra viên (ĐTV) tiến hành rà soát, đánh giá chứng cứ, tài liệu, tiến độ điều tra, bảo đảm việc phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Theo đó, trong năm 2019, Vụ 3 đã ban hành 1 yêu cầu khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục quản lý dược, Bộ Y tế; 22 quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; 9 quyết định thay đổi tội danh đối với bị can; 1 quyết định không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
|
|
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án AVG. |
Không chỉ đảm bảo đúng thời gian mà chất lượng công tác THQCT, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử cũng ngày càng được nâng cao, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tỉ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm tăng so với năm 2018; tỉ lệ giải quyết án giai đoạn truy tố đạt 77,8% (tương đương năm 2018), trong đó tỉ lệ giải quyết án thuộc diện Ban Chỉ đạo đạt 83,3%; tỉ lệ người bị bắt, tạm giữ, sau đó khởi tố bị can đạt 97,4%; số vụ án đã xét xử tăng 02 vụ (32 vụ/30 vụ) so với cùng kỳ năm 2018 và đạt tỉ lệ 68%. Đáng nói, không có vụ án, bị can đình chỉ do không phạm tội; không có vụ án, bị cáo Tòa án xét xử tuyên không phạm tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Cùng với đó, tăng cường áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; kịp thời yêu cầu xác minh, phối hợp chặt chẽ với CQĐT trong việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong các vụ án kinh tế.
Trong năm 2019, nhiều vụ án kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, trong đó có những vụ án vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, như: Vụ án Hứa Thị Phấn “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín; vụ Nguyễn Minh Hùng “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; vụ án Ngô Trí Đức (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn) “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”... Đây là các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông quan tâm.
Do vậy, Vụ 3 đã đề xuất biệt phái 16 KSV trực tiếp THQCT và kiểm sát xét xử đối với 12 vụ án. Lãnh đạo Vụ 3 cũng đã chỉ đạo các KSV phối hợp chặt chẽ với VKS và Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình xét xử, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, không có vụ án VKS truy tố, Tòa án xét xử tuyên không phạm tội.
“Điển hình như vụ án Hứa Thị Phấn “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín, sau khi xét xử sơ thẩm, KSV đã kịp thời phối hợp với VKSND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Lãnh đạo về kết quả xét xử; đồng thời đề xuất việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với một phần bản án về trách nhiệm dân sự”- Vụ trưởng Lê Tiến cho biết.
Áp dụng nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ
Bên cạnh những thuận lợi là được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo VKSND tối cao thì quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, bởi đây đều là những vụ án phức tạp. Các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế xảy ra từ nhiều năm trước nên việc điều tra, xác minh, thu thập tài liệu gặp khó khăn. Trong khi công tác giám định tài chính, định giá tài sản của các Cơ quan quản lý chuyên ngành phục vụ giải quyết các vụ án, vụ việc còn chậm, không đảm bảo nội dung và thời hạn giám định, dẫn đến phải gia hạn thời hạn giải quyết các vụ án nhiều lần, như: 05 vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Trần Phương Bình; vụ án Trần Bắc Hà… Hơn nữa, hoạt động tương trợ tư pháp hình sự cũng gặp khó khăn do nước bạn không đáp ứng được các yêu cầu về tương trợ tư pháp,...
Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có nhiều đối tượng thực hiện, nhiều hành vi thuộc các lĩnh vực khác nhau cần phải điều tra, xác minh dẫn đến công tác điều tra vụ án phải kéo dài như: Vụ án Trần Phương Bình; vụ án Hứa Thị Phấn, các đối tượng thực hiện nhiều khoản vay liên quan đến nhiều ngân hàng…
Ngoài ra, khối lượng các công việc thuộc lĩnh vực công tác của Vụ 3 khá lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến những lĩnh vực mới của đời sống xã hội, như: Chứng khoán, đấu thầu, công nghệ thông tin… Thế nhưng, số lượng biên chế giảm, có sự biến động thường xuyên và chưa được bổ sung. Công tác phối hợp, trách nhiệm của một số KSV chưa được chặt chẽ, kịp thời trong khi yêu cầu giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ, sự quan tâm dư luận xã hội ngày càng cao. Một số vụ án đặt ra yêu cầu phải giải quyết nhanh chóng dẫn đến còn có thiếu sót trong thu thập tài liệu, chứng cứ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Để khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Vụ trưởng Lê Tiến chia sẻ, đơn vị đã đề ra một số giải pháp như: Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ theo hướng “Phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành”; đề cao trách nhiệm cá nhân của Lãnh đạo Vụ và KSV; chỉ đạo KSV thực hiện sâu hơn vào các hoạt động điều tra, đặc biệt là các hoạt động hỏi cung, đối chất, thậm chí có nhiều vụ án Lãnh đạo Vụ trực tiếp hỏi cung như vụ AVG… thực hiện việc đánh giá cán bộ công tâm, khách quan trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể, không cào bằng trong đánh giá cán bộ; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức, trách nhiệm của Lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên.
Vụ đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc phân công nhóm KSV cùng THQCT và kiểm sát điều tra 1 vụ án, cùng nghiên cứu 1 hồ sơ vụ án; đặc biệt là tạo nhóm các KSV ở các phòng khác nhau trong Vụ… Từ đó, nhiều vụ án KSV tiếp cận bằng các góc nhìn khách quan khác nhau nên đã có những quan điểm đánh giá đa diện về vụ án, tập trung được trí tuệ của tập thể, tham mưu cho Lãnh đạo có đường lối giải quyết đúng với bản chất của vụ án. “Đây cũng là giải pháp phát hiện những thiếu sót trong hồ sơ vụ án để kịp thời khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”- đồng chí Vụ trưởng cho hay.
Có thể thấy, khó khăn lớn nhất trong các vụ án kinh tế đó là thu hồi tài sản. Chính vì vậy, trong năm qua, Vụ 3 đã quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng để giải quyết đúng bản chất của vụ án và triệt để thực hiện việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong giải quyết án, Vụ đã chỉ đạo trong suốt quá trình điều tra thì việc thu hồi tài sản là bắt buộc trong việc đề ra yêu cầu điều tra, bằng các biện pháp cụ thể như: Đề ra các yêu cầu cụ thể để xác minh tài sản, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, cổ phần, cổ phiếu, động viên các đối tượng nộp tài sản…
Nhiều vụ án, KSV đã trực tiếp xét hỏi, thuyết phục động viên đối tượng giao nộp tài sản; nhiều vụ án đã quyết liệt trong việc thay đổi tội danh, áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi tài sản. Ví dụ như: Vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan (AVG); các vụ án nhận tiền lãi ngoài từ các Ngân hàng...
Với những kết quả đó, trong năm 2019, Vụ 3 đã vinh dự được tặng Cờ thi đua Chính phủ. Đây là sự động viên, nhưng cũng là trọng trách để đơn vị cố gắng hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khó khăn lớn nhất trong các vụ án kinh tế đó là thu hồi tài sản. Chính vì vậy, trong năm qua, Vụ 3 đã quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng để giải quyết đúng bản chất của vụ án và triệt để thực hiện việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
|