Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, tình hình an ninh trật tự tại tỉnh Điện Biên trong những năm qua khá phức tạp. Thế nhưng, dường như những phức tạp chỉ là điều kiện để hoàn thiện hơn phẩm chất của người cán bộ Kiểm sát mang trong mình tình yêu nghề, sự hi sinh, nhiệt huyết trong công việc như đồng chí Vi Văn Hải - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên…
|
|
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên, Vi Văn Hải. |
Kiểm sát viên Vi Văn Hải, quê ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Anh từng giữ nhiều chức vụ và đạt nhiều thành tích: những năm 1992 - 2001, anh công tác ở Phòng Kiểm sát chung, là Phó trưởng phòng (năm 2001), anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của Phòng (được tặng Bằng khen Tập thể lao động XHCN). Năm 2006 - 2013, anh giữ chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên. Nhiều năm liền VKSND huyện Điện Biên là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009).
Năm 2013 - 2016, anh giữ chức vụ Trưởng Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS, VKSND tỉnh Điện Biên. Phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 2 năm liền được tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ năm 2016 đến nay, anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên; ở các lĩnh vực và đơn vị được phân công phụ trách, Kiểm sát viên Vi Văn Hải đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2018, năm 2019 VKSND tỉnh Điện Biên đều được tặng Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân và UBND tỉnh. Số bằng khen mà anh được tặng hầu như năm nào cũng có, “chật” cả một căn phòng như đồng nghiệp từng nói vui. Những bằng khen, danh hiệu đạt được và những cương vị anh từng nắm giữ tôn lên “chất” Kiểm sát viên trong con người Vi Văn Hải.
Giản dị, chính trực, khiêm nhường, là những từ không thể thiếu khi nói về người cán bộ Kiểm sát. Dường như đó đã trở thành hình ảnh thân thuộc, màu sắc rất riêng khi nói về những cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân, nhất là những cán bộ nhiều năm gắn bó với nghề, với địa bàn xa xôi; dù giữ chức vụ cao hay thấp, dù ở hoàn cảnh nào thì cái “chất” giản dị, chính trực và khiêm nhường ấy vẫn chẳng hề thay đổi. Phó Viện trưởng Vi Văn Hải cũng vậy, tôi cảm nhận rõ những phẩm chất ấy trong anh qua cách mà anh chia sẻ về cuộc sống, công việc và về những kỉ niệm của mình…
|
|
Thừa ủy quyền của Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2019 cho VKSND tỉnh Điện Biên. |
Khi nói về một kỉ niệm khó quên trong suốt thời gian công tác, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên Vi Văn Hải chia sẻ: “Mình công tác ở ngành Kiểm sát đến nay đã được 27 năm. Sau chừng ấy thời gian với nhiều vị trí công tác khác nhau, có rất nhiều điều để nhớ, nhưng có một chuyện, nhỏ thôi nhưng khiến mình nhớ mãi…”. Cái cách mà Kiểm sát viên Vi Văn Hải bắt đầu câu chuyện thật giản dị. Từ “mình” anh dùng để chia sẻ với tôi nghe thật gần gũi, cách anh dùng từ thể hiện rất rõ phong thái của người cán bộ Kiểm sát; từng câu, từng chữ có nhiều nét tưởng chừng cứng nhắc, khô khan song không hề tạo khoảng cách mà có cái gì đó rất “tình”.
Câu chuyện mà anh chia sẻ với tôi, có tới hai phần ba trong đó là tả về thực trạng cuộc sống khó khăn ở huyện miền núi Điện Biên, một huyện có diện tích rộng, có rất nhiều xã nằm cách xa thành phố. Ở đó là sự thiếu thốn, là đói nghèo, lạc hậu, khó khăn, vất vả… Còn kết thúc câu chuyện nhỏ ấy, điều còn đọng lại sau cả 10 năm ấy là về bữa cơm mà hai cô giáo đã mời anh em trong tổ công tác trong một lần các anh tới địa bàn …. “Sau khi ăn cơm xong, ngồi uống nước, nói chuyện thì vô tình mới biết là anh em trong tổ công tác vừa ăn hết số thực phẩm hai cô giáo chuẩn bị cho cả tuần (những năm tháng khó khăn của đất nước, đặc biệt là ở một huyện khó khăn như Điện Biên); vừa ngại, vừa cảm thấy xấu hổ, anh em trong tổ công tác muốn trả tiền bữa ăn cho hai cô giáo nhưng hai cô kiên quyết không nhận. Không còn cách nào khác, anh em chỉ biết nói lời cảm ơn rồi lên đường trở về.
Đã 10 năm rồi chưa có dịp gặp lại để đền đáp tấm lòng của hai cô giáo”… Câu chuyện mộc mạc, câu từ giản dị, nhưng dường như điều giản dị mới là cốt lõi của cuộc sống. Đối với những người sống ở thành phố, những cán bộ hầu hết thời gian ngồi làm việc ở bàn giấy, có máy điều hòa phục vụ, không bị thiếu thốn vật chất thì khó có thể thấu hiểu được sự khó khăn ấy. Thậm chí, có những người hiểu nó, nhận thức rõ về nó nhưng có mấy ai lưu lại trong ký ức và canh cánh trong lòng về một tình cảm dung dị sau nhiều năm như vậy, bởi cuộc sống muôn vàn sắc màu...
Công việc của Kiểm sát viên kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo như đồng chí Vi Văn Hải không thiếu những hào quang nghề nghiệp, không ít những chiến công với đủ loại bằng khen và danh hiệu; được đánh giá cao về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, chỉ đạo điều hành, song trong trí nhớ của anh dường như chỉ đọng lại mãi một chữ “tình”.
Cơm miền núi chắc không ít người đã nếm thử, tình cảm người miền núi cũng không ít người đã cảm nhận. Nhưng cảm động về những điều tưởng chừng rất đơn giản, nhỏ nhặt ấy và lại nhớ đến hàng chục năm sau thì liệu có mấy người?!!
|
|
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Điện Biên tham gia xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho các phạm nhân. Ảnh: VKSND tỉnh Điện Biên. |
Sự giản dị ấy, cái tình ấy lại đầy màu sắc lạc quan. Khi chia sẻ về một kỉ niệm buồn, anh chỉ nói qua về việc một phóng viên đến làm việc và lấy thông tin từ cơ quan nhưng lại viết bài không mang tính “định hướng dư luận xã hội” theo ý nghĩa tích cực như khi phóng viên đó nói. Sau đó, anh lại hồ hởi chia sẻ về niềm vui, niềm tự hào về những cán bộ, đồng nghiệp khác đã đạt được những thành tích tốt, vượt lên khó khăn trong ngành: “Còn người mang lại niềm vui, tự hào thì rất nhiều, là lãnh đạo quản lý ở nhiều đơn vị khác nhau, mỗi khi thấy anh em cán bộ, công chức trong đơn vị có tiến bộ, đạt thành tích tốt trong công tác là thấy vui, thấy tự hào rồi.
Có thể kể đến một trường hợp điển hình vừa là đồng nghiệp, vừa có thể gọi là học trò, đó là đồng chí Ngô Thị Hạnh. Hạnh quê ở Thanh Hóa, năm 2005 được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND tỉnh Điện Biên, khi đó mình là Trưởng phòng. Lên Điện Biên công tác, không có người thân lại có con nhỏ, chồng thường xuyên đi làm xa, Hạnh đã khắc phục mọi khó khăn của gia đình để tập trung cho công việc. Hạnh là người làm việc có trách nhiệm và rất chịu khó học hỏi nên những kinh nghiệm, kỹ năng mình có được đều trao đổi, truyền đạt cho Hạnh. Năm 2010, Hạnh được chuyển công tác về quê, từ đó hai anh em vẫn thường xuyên trao đổi công việc với nhau, đặc biệt là những khi gặp vụ việc khó. Đến nay, Hạnh đã là lãnh đạo VKSND một huyện của tỉnh Thanh Hóa”. Rõ ràng, trong con người ấy đầy sự lạc quan, đầy niềm tin và cả nhiệt huyết với công việc, nhất là sau khi xảy ra một chuyện không vui về một phóng viên như vậy, anh vẫn cho tôi được tiếp cận, được viết bài viết này…
“Mình vào ngành Kiểm sát khi không học chuyên ngành luật (vào ngành năm 1992, đến năm 2004 mới có bằng cử nhân luật), công việc của ngành Kiểm sát là công việc khó, vì vậy cần phải chịu khó nghiên cứu học hỏi, yêu và say mê với công việc, bất cứ nhiệm vụ gì, vụ việc nào khi được phân công cũng phải tập trung mọi khả năng của bản thân để thực hiện thì sẽ thu được kết quả tốt”. Đó là những lời tâm huyết mà anh Hải muốn gửi gắm tới thế hệ các Kiểm sát viên trong tương lai. Hy vọng rằng, những chia sẻ của anh, những gì anh đã cống hiến cho nghề sẽ trở thành ngọn lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ sau này. Họ sẽ trở thành những Kiểm sát viên có “chất”, có “tình” cùng với niềm say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc như vậy.
Đồng chí Phan Văn Kỷ - Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên:
“Đồng chí Vi Văn Hải được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có phẩm chất chính trị tốt, tận tâm; yêu ngành, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao trong mọi công việc được giao, có chuyên môn nghiệp vụ rất vững vàng. Đồng chí là một cán bộ quyết liệt, sâu sát trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và luôn hoàn thành rất xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; được lãnh đạo, anh em tin tưởng, yêu mến và luôn là tấm gương sáng cho cán bộ, công chức ngành Kiểm sát tỉnh Điện Biên học tập, noi theo”.
|