Những tấm gương xông pha
Tại TP Hải Phòng, từ đầu tháng Tư, khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Thành ủy, cả TP Hải Phòng như bước vào một trận chiến. Lệnh “tổng động viên” được đưa ra, cả thành phố cùng chung tay đẩy lùi giặc COVID-19. Hàng nghìn chốt kiểm soát dịch bệnh từ cấp thôn đến thành phố được thành lập như những lô cốt vững chắc hoạt động 24/24h, để bảo vệ sức khỏe người dân.
Những cựu chiến binh và thanh niên xung phong năm nào nay lại tiếp tục là tấm gương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các chốt kiểm soát ở thành phố Cảng.
|
|
Nhiều cựu chiến binh ở Hải Phòng tình nguyện tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát. |
Mặc dù tuổi cao, nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ cùng tinh thần “chống dịch như chống giặc", các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đều tham gia đầy đủ, nhiệt tình tại các chốt kiểm soát dịch.
Bác Nguyễn Thành Nghĩa, Chủ tịch Hội cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thành ủy Hải Phòng về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, xã Phục Lễ đã thành lập 6 tổ kiểm soát. Theo kế hoạch, Hội CCB xã Phục Lễ đã cử 48 người tham gia, các hội viên đều trên 60 tuổi tham gia trực tại tổ kiểm soát phòng, chống dịch bệnh với tinh thần tự nguyện.
Theo ghi nhận của Phóng viên, tại Tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở thôn Đông (xã Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) những ngày giữa tháng Tư, bà Phạm Thị Thả (61 tuổi, Hội viên Hội CCB xã Phục Lễ) đang cùng các tổ viên khác ra hiệu dừng xe, đo thân nhiệt, ghi chép hành trình của từng cá nhân… Bà Phạm Thị Thả cho biết, bà từng khoác trên mình màu xanh áo lính, tham gia chiến tranh biên giới với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hiện tuổi đã cao nhưng khi Tổ quốc cần, bà vẫn sẵn sàng “trực chiến”, dù là ca đêm hay ca ngày.
"Từ thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, lượng người đi lại qua chốt giảm hẳn, đặc biệt vào buổi tối, công việc của chúng tôi cũng không còn vất vả như thời gian đầu. Đặc biệt, trong bất cứ thời điểm nào, người dân cũng luôn vui vẻ chấp hành, ủng hộ công việc chúng tôi đang làm. Với cá nhân tôi, tham gia công việc tại chốt để chung tay cùng toàn dân phòng, chống dịch bệnh, là niềm hạnh phúc khi được cống hiến hết mình”, bà Thả chia sẻ.
Nhiệt huyết của người lính cụ Hồ cũng được nữ CCB Chu Thị Dinh - Bí thư Chi bộ thôn Mức (xã Phục Lễ) mang theo trong từng ca trực: “Chốt tôi trực là đường liên xã, hàng ngày có nhiều xe từ các xã trong huyện Thủy Nguyên hay ngoại tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh đi qua. Thời kháng chiến, chúng tôi luôn nhiệt huyết với cách mạng nên giờ đây, vừa là hội viên Hội CCB vừa là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng của tổ kiểm soát phòng chống, dịch COVID-19, tôi vẫn chỉ đạo từng thành viên nỗ lực hoàn thành công tác chống dịch. Lực lượng Hội CCB của xã phối hợp cùng các lực lượng Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… trực 24/24h, không bỏ giờ nào”.
Trung tá Hoàng Kim Cương, Chủ tịch Hội CCB xã Thủy Sơn (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết, các cựu chiến binh trực ở tất cả các chốt không quản đêm ngày, theo phân công của Tổ trưởng, Tổ phó, khi làm việc luôn nghiêm túc chấp hành kỷ luật. Có những hội viên tình nguyện đi quãng đường xa để tăng cường cho chốt thiếu quân số. Dù tuổi cao nhưng thành viên các tổ kiểm soát nhận thấy tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên đều không quản ngại khó khăn. Việc các cựu chiến binh gương mẫu, tình nguyện tham gia trực chốt, đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, động viên toàn dân nâng cao tinh thần phòng, chống dịch.
Với những chỉ đạo quyết liệt, cùng sự chung tay của người dân, trong đó có sự xông pha của các hội cựu chiến binh, đến nay, TP Hải Phòng vẫn an toàn, không ai bị dương tính với COVID-19.
Những “mõ” làng thời hiện đại
Tại Thủ đô Hà Nội, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp Hội CCB của các quận, huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cùng cộng đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
|
|
Hội viên Hội CCB quận Ba Đình (TP Hà Nội) tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: CTV |
Ông Trần Xuân Vững, Chủ tịch Hội CCB quận Ba Đình cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hội CCB quận Ba Đình đã kịp thời chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên và người dân bằng nhiều hình thức như: cấp phát miễn phí nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, tờ rơi hướng dẫn cách bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hội CCB các phường đều thành lập và duy trì một đội tuyên truyền phản ứng nhanh gồm 10 hội viên. Hiện quận có 15 đội tuyên truyền cấp phường và 1 đội tuyên truyền cấp quận, với quân số sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ là 155 hội viên. Cùng với công tác tuyên truyền, mỗi hội viên CCB quận Ba Đình đã tự nguyện ủng hộ vật chất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 …
Tại quận Hoàng Mai, trong thời gian dịch bệnh diễn ra, có một cách tuyên truyền phòng, chống dịch rất hiệu quả, gây ấn tượng với người dân… Ông Ngô Thanh Tô, Chủ tịch Hội CCB phường Tương Mai kể: Sau khi chấp hành nghiêm chủ trương cách ly xã hội được vài ngày, nhiều người có tâm lý chủ quan và tiếp tục ra đường, đến các khu vườn hoa, công viên… tập thể dục. Lực lượng cựu chiến binh, bảo vệ dân phố đến gặp từng người nhắc nhở, nhưng ai nấy đều lờ đi. Ông Tô liền nghĩ ra cách dùng micro, gọi loa để tuyên truyền. "Tiếng loa vừa cất lên, những người đang tập thể dục đều vội vã ra về khiến chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi"… Công việc của một “mõ” làng thời hiện đại những ngày qua đã để lại trong ông Tô không ít kỷ niệm, trong đó có cả những niềm vui. Cũng ở quận Hoàng Mai, hình ảnh người đàn ông tóc đã bạc, hàng ngày chở chiếc loa thùng đi khắp ngõ ngách để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người dân cảm động. Đó là Bí thư Chi bộ khu dân cư Kim Lũ 2, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đại Kim Nguyễn Cao Thăng. Vào 6h sáng mỗi ngày, ông Thăng đã rong ruổi cùng các thành viên của 4 tổ công tác cơ động, tại 16 điểm chốt trực của phường để làm nhiệm vụ. Lúc thì cùng làm việc trên xe ô tô của phường, phát loa tuyên truyền kèm kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành quy định; khi ông lại dùng xe máy chở loa thùng tuyên truyền về chỉ thị, quy định của thành phố thấm đến từng người dân…
“Tôi chỉ làm theo lời Bác Hồ dạy”
Tại tỉnh Nghệ An, những ngày này, câu chuyện CCB Trần Văn Vân, một thương binh nặng (bị mất một chân, tỉ lệ thương tật hạng 2/4), ở khối 3, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò quyết định dành số tiền 3.350.000 đồng (1 tháng trợ cấp thương binh nặng) góp vào quỹ phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người cảm phục. Bởi hoàn cảnh gia đình ông Vân vẫn còn nhiều khó khăn, vợ chồng ông đang sống trong một căn nhà nhỏ. Mặc dù bị thương tật nhưng ông không quản ngại khó khăn, tích cực lao động, sản xuất và tham gia công tác xã hội như: Chi hội trưởng CCB… Ông Vân lý giải việc cuộc sống còn khó khăn mà lại hỗ trợ cả tháng trợ cấp cho quỹ phòng, chống dịch của địa phương bằng nụ cười hiền: “Tôi chỉ làm theo lời Bác Hồ dạy”...
Theo nhận xét của Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, sức lan tỏa từ nghĩa cử cao đẹp của CCB Trần Văn Vân đã tác động mạnh mẽ tới cán bộ, nhân dân trong toàn phường. Đến nay, đã có nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện ủng hộ, đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương.
|
|
Hội Cựu chiến binh phường Trại Chuối (Hải Phòng) tích cực tham gia tổ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. |
Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong những ngày cao điểm thành phố triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Hội CCB các cấp ở quận 1 đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Như tính riêng Hội CCB các phường: Bến Nghé, Tân Định, Đa Kao,… đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phân phát tờ rơi đến từng hộ dân; vận động các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, tặng hơn 6.000 khẩu trang y tế, và hàng trăm lít nước rửa tay diệt khuẩn; Hội CCB phường Cầu Kho đã trao cho phường 700 khẩu trang, 50 bình xà bông diệt khuẩn và 5 triệu đồng. Hội viên CCB quận 7 đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần chống dịch COVID-19 (như thực hiện các cuộc tuyên truyền, phát tờ rơi trong các gia đình CCB và người dân…). Riêng về ủng hộ vật chất, các cấp hội đã cấp phát 4.700 khẩu trang y tế, 1.200 chai nước sát khuẩn; tặng 221 suất quà cho người nghèo, người bán vé số; tặng người dân ở khu cách ly Nhà Bè 60 suất quà; vận động, đóng góp 44 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19,… Nhiều hội viên CCB có nhà trọ cho thuê đã giảm tiền cho người thuê, như CCB Trương Văn Kim (phường Tân Thuận Đông) có 100 phòng trọ, đã giảm 100% số tiền cho người thuê trong tháng 4 (180 triệu đồng);...
Nhiều năm nay, CCB Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ CCB quận Tân Bình) tích cực tham gia hoạt động xã hội, đặc biệt là những hoạt động thiện nguyện. Trong những tuần cao điểm chống dịch bệnh COVID-19, CCB Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ những người lao động nghèo bị ảnh hưởng của đại dịch. Hội nữ CCB quận đã phối hợp trao nhiều suất quà tặng những người yếu thế như: người bán vé số, bán hàng rong, người già neo đơn,…; trao tặng 10.000 khẩu trang, 1 tấn bánh phở cùng các nhu yếu phẩm khác như mì tôm, dầu ăn,… Cá nhân bà Tuyết đã tự tay may hàng ngàn chiếc khẩu trang vải gửi tặng cho những người dân có nhu cầu, góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với bà Tuyết, được san sẻ, giúp đỡ phần nào những cảnh đời cơ nhỡ, những khó khăn của bà con, người lao động nghèo là niềm vui, cũng là phần nào trách nhiệm của bản thân một cựu chiến binh trong thời bình đối với bà con, đồng bào…
Như những làn sóng hợp nên sức mạnh của thế trận toàn dân, những người cựu chiến binh trên khắp cả nước đã và đang phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ, gương mẫu trong đời sống, tận tâm trong công việc, họ như những con ong chăm chỉ, không chỉ góp sức đẩy lùi đại dịch COVID-19 mà luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.