Đến dự hội nghị gồm có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng; Phó Viện trưởng VKSND TP HCM Nguyễn Thanh Sang; Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an TP Thủ Đức; Thượng tá Nguyễn Trung Hòa, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức; đồng chí Quách Thanh Giang, Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức: Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Hữu Thiện; Công an các phường của TP Thủ Đức…

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức Quách Thanh Giang phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo, kết quả công tác kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin tội phạm của VKSND TP Thủ Đức đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, qua đó đã góp phần đưa công tác này đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nổi bật. Lãnh đạo VKSND TP Thủ Đức đã có sự quan tâm sâu sát, phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm phụ trách theo dõi, kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý nguồn tin tội phạm của cơ quan điều tra, mở đầy đủ các loại sổ theo quy định.

Thông qua công tác kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý nguồn tin tội phạm, đã đối chiếu sổ tiếp nhận, thụ lý nguồn tin của cơ quan điều tra, qua đó ban hành nhiều kết luận, kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục và chấn chỉnh các vi phạm liên quan đến công tác tiếp nhận, thụ lý nguồn tin tội phạm.

Đồng thời triển khai đầy đủ các văn bản mới về hình sự, các thông tư, quy chế, quy định liên quan đến công tác giải quyết nguồn tin đến cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát án hình sự. Thường xuyên kiểm tra, rà soát án của từng Kiểm sát viên thụ lý để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Phó Viện trưởng VKSND TP HCM Nguyễn Thanh Sang phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sang cho rằng, chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mang tính thực tiễn rất cao, liên quan đến hai ngành Viện kiểm sát và Công an.

Theo Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, công tác phân loại tin báo, tố giác là quan trọng nhất; công tác này phối hợp phải chặt chẽ; từ đầu năm 2023, Công an phường/xã được thực hiện một số nhiệm vụ ban đầu để bảo vệ hiện trường, thu thập tài liệu chứng cứ nên cần phải tập huấn, hướng dẫn cho Công an phường. “Nếu chúng ta không phân loại chính xác thì vô hình dung chúng ta thụ lý khối lượng công việc rất lớn…”, đồng chí Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm do nguyên nhân khách quan là TP Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía Đông TP HCM, nơi giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cùng mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, tình hình quốc phòng - an ninh có nhiều phức tạp, do đó số lượng tố giác và tin báo về tội phạm chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn TP HCM.

Nhiều tin báo có nội dung phức tạp, nhất là đối với những tin báo về kinh tế, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng, công nghệ cao, cố ý gây thương tích, quá trình xác minh phải xác minh nhiều nơi, kết quả trả lời xác minh của các cơ quan định giá, giám định chậm hoặc không rõ ràng phải giám định lại hoặc sau khi gây án đối tượng và người bị hại đi khỏi nơi cư trú, tạm trú không hợp tác với cơ quan điều tra… nên gặp nhiều khó khăn, hết thời hạn xác minh tin báo, không đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án phải tạm đình chỉ giải quyết. Khối lượng tố giác, tin báo về tội phạm nhiều tính chất phức tạp nên tỷ lệ giải quyết tin báo chưa cao.

Từ thực trạng trên, VKSND TP Thủ Đức đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố.

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức Nguyễn Thị Thanh Mai điều hành hội nghị.
 
leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị.
leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Từ đó, VKSND TP Thủ Đức kiến nghị sớm có hướng dẫn thống nhất thực hiện đối với việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự. Đặc biệt là đối với trường hợp chưa làm việc được với người bị tố giác; Bổ sung quy định về số lần có thể ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin, mà cụ thể là giới hạn tối đa số lần được tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin với cùng một căn cứ tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 BLTTHS; Quy định bổ sung vấn đề dẫn giải, áp giải người bị tố giác, người bị hại trong giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm.

Đồng thời lãnh đạo liên ngành cần quan tâm, tăng cường bổ sung biên chế, kinh phí và phương tiện cơ sở vật chất cho các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Quách Thanh Giang cho biết chuyên đề này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết. Chuyên đề đánh giá toàn diện công tác tiếp nhận, thụ lý và giải quyết nguồn tin tội phạm, qua đó nhìn nhận những kết quả đạt được, những hạn chế, thiếu sót, tồn tại trong quá trình phối hợp, giải quyết, tìm ra nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

“Thủ trưởng cơ quan điều tra chỉ đạo Công an các phường có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh sơ bộ và đề xuất phân loại nguồn tin về tội phạm gửi cho cơ quan điều tra. Trên cơ sở đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức sau khi tiếp nhận nguồn tin sẽ giải quyết nếu có căn cứ xác định nguồn tin tội phạm thuộc thẩm quyền”, Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức cho hay./.

Đại Lánh