Thử tìm hiểu pháp luật các nước trên thế giới quy định về hành vi tương tự trên như thế nào. 

Theo khảo sát năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có hơn 60% trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát trên thế giới có những quy định cụ thể về xử phạt hình sự hoặc bồi thường dân sự đối với những hành vi quấy rối tình dục.

Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2002 đã yêu cầu các nước thành viên xây dựng cụ thể các quy định ngăn chặn quấy rối tình dục. Một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có những quy định xử phạt mạnh tay đối với các hành vi quấy rối, chứ không bó buộc trong các tội danh về tấn công tình dục, nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

leftcenterrightdel
 Vụ Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn trong thang máy đã lên báo chí nước ngoài.

Singapore: Luật pháp Singapore xem những hành vi như ôm, hôn hoặc đụng chạm phụ nữ hay trẻ em trái ý muốn của đối tượng là hành vi "xâm hại phẩm giá" (Outrage of modesty), bị xử phạt nặng tương tự hành vi sàm sỡ hay quấy rối tình dục

Định nghĩa và mức xử phạt đối với "xâm hại phẩm giá" được quy định trong Điều 354 Bộ Luật hình sự Singapore là hành vi "tấn công hoặc sử dụng vũ lực trái phép lên một người khác với mục tiêu xâm hại phẩm giá" của nạn nhân.

Hành vi này được định nghĩa rộng một phần vì những yếu tố cấu thành "xâm hại phẩm giá" có thể thay đổi tùy vào hoàn cảnh vụ việc xảy ra, hoặc các yếu tố như giới tính, sắc tộc và tôn giáo của nạn nhân. Với cách định nghĩa này, ôm hôn một người phụ nữ mà không có sự đồng thuận của đối tượng cũng có thể bị xem là "xâm hại phẩm giá".

Hình phạt có thể là giam giữ tối đa 2 năm, phạt tiền, đánh roi hoặc cùng lúc nhiều hình thức phạt, tùy vào mức độ vi phạm. Nếu hành vi "xâm hại phẩm giá" nhắm đến đối tượng dưới 14 tuổi, mức án tù tối đa sẽ được tăng lên 5 năm.

Vào tháng 10/2017, một người đàn ông 29 tuổi tên Syed Hashim Wahid đã bị tòa án Singapore tuyên 8 tháng tù vì nhiều lần động chạm cơ thể của bé trai 12 tuổi, sống cùng tòa nhà khi hai người cùng đi thang máy.

Tháng 12/2017, một người đàn ông quốc tịch Ấn Độ tên Prabu Natarajan, 33 tuổi, nhận án phạt giam giữ trong 3 tuần. Prabu bị cáo buộc đụng chạm, buông lời gạ gẫm một phụ nữ, bám đuổi nạn nhân đến tận thang máy dù cô gái đã cố gắng tránh xa và dọa báo cảnh sát. Hành vi "xâm hại phẩm giá" xảy ra hơn một năm trước khi Prabu bị truy tố.

leftcenterrightdel
Singapore có thể phạt có thể là giam giữ tối đa 2 năm với hành vi "xâm hại phẩm giá". Ảnh minh họa

Malaysia: Bất kỳ ai xúc phạm phẩm giá phụ nữ bằng lời lẽ, cử chỉ hay phô bày đồ vật với ý định để người phụ nữ đó nghe và thấy lời nói, cử chỉ hay đồ vật này sẽ bị phạt tù mức cao nhất là 5 năm, hoặc bị phạt tiền, hoặc bị phạt cả hai.

Canada: Điều 271 BLHS năm 1985 quy định bất kỳ ai quấy rối tình dục đều phạm tội. Đối với các hành vi quấy rối tình dục ít nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù với thời hạn tối đa không quá 18 tháng, hoặc nếu nạn nhân dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù với thời hạn không quá hai năm và hình phạt tù tối thiểu có thời hạn sáu tháng.

Pháp: Người nào lạm dụng quyền lực đe dọa, ép buộc người khác quan hệ tình dục sẽ bị buộc tội quấy rối tình dục, bị phạt tù không quá một năm và phạt tiền.

IcelandNgười nào dùng quyền lực trong công việc để ép cấp dưới quan hệ tình dục sẽ bị phạt tù cao nhất đến ba năm. Các hình thức quấy rối tình dục khác có án phạt tù mức cao nhất là hai năm.

Mỹ: Là một trong những nước đầu tiên ban hành luật về quấy rối tình dục. Theo đạo luật Quyền công dân Liên bang năm 1964 của Mỹ, quấy rối tình dục là một trong các hình thức phân biệt giới tính. Luật định nghĩa quấy rối tình dục là dùng lời ve vãn tình dục, yêu cầu quan hệ tình dục trái ý muốn của người khác, dùng cử chỉ, lời nói gợi ý về tình dục…

Australia: Theo Trung tâm Chống Xâm hại Tình dục (CASA) của Australia, luật pháp nước này còn có những quy định xử phạt cho hành vi "xâm hại không đứng đắn" (Indecent Assault). 

Hành vi này được định nghĩa là bất kỳ hành động công kích, xâm hại này diễn ra trong "bối cảnh thiếu đứng đắn" nhưng chưa phải là các hành vi xâm hại tình dục như cưỡng bức, đụng chạm hoặc ép buộc đụng chạm bộ phận sinh dục, quấy rối tình dục bằng lời nói hoặc cử chỉ... Theo diễn giải của trang mạng của SACA dành cho thanh thiếu niên ở khu vực Đông Nam Australia (SESACA Youth), những hành vi như động chạm hoặc ép buộc động chạm thân thể người khác qua quần áo, hay ôm hôn mà không có sự đồng thuận của đối tượng đều có thể bị xem là "xâm hại không đứng đắn".

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Hành vi này bị xem là tội hình sự tại bang New South Wales, được quy định tại Điều 61L trong Đạo luật Hình sự 1900. Mức xử phạt tối đa là 5 năm tù. Theo hãng luật Armstrong Legal, người vi phạm còn có thể bị phạt giam lỏng tại nhà, bị áp đặt khung giờ giới nghiêm, lao động dịch vụ công ích hoặc gặp chuyên gia tâm lý. 

Ở bang Victoria quy định mức phạt tối đa đối với vi phạm đơn lẻ là 2 năm tù giam, còn mức phạt với vi phạm nhiều lần là 5 năm tù giam. Quy định này được áp dụng cho hành vi "xâm hại không đứng đắn" xảy ra trước trước ngày 1/7/2015. Những vi phạm xảy ra sau mốc này được bang Victoria xử theo quy định về xâm hại tình dục trong bộ luật hình sự, với khung hình phạt tối đa là 10 năm tù.

 Sự việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 4/3, tại thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Nạn nhân trong vụ việc là chị P.H.V. (20 tuổi, sinh viên trú tại chung cư Golden Palm). Sau khi đi dạo về, chị V. vào thang máy để lên phòng, đã bị người đàn ông lạ mặt cưỡng hôn, trầy xước ở mũi và tay, tinh thần hoảng loạn. Trong đêm hôm ấy, chị V. đã trình báo vụ việc với Ban quản lý tòa nhà và Công an phường Nhân Chính. Đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng) đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình, đồng ý công khai xin lỗi, song 2 lần tổ chức đều vắng mặt. Công an quận Thanh Xuân xác định, hành vi của Đỗ Mạnh Hùng không cấu thành tội phạm. Căn cứ vào khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP, đối tượng Hùng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng.

 

Điều 155 BLHS. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Đối với 2 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 


Khánh An