Nguyễn Mạnh H. (phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn sau nhiều năm mới sinh được một cháu trai. Tuy nhiên, do nghi ngờ cháu không phải là con tôi nên tôi muốn từ chối nhận con thì cần những thủ tục gì? Ngoài ra, tôi cũng đang băn khoăn, trường hợp đứa trẻ này không phải là con tôi, trong khi vợ chồng tôi kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì vợ tôi có phạm tội gì không?
 


Anh H. thân mến!

 Tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về việc xác định cha, mẹ như sau:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định”.

Theo đó, mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 thì khi có người yêu cầu Tòa án xác định người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; về nguyên tắc, người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen phải nộp lệ phí giám định gen.

Như vậy, mọi đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đều được pháp luật công nhận là con chung của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp anh không thừa nhận con thì anh phải làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp quận nơi anh đang thường trú. Kèm theo đơn anh phải cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để Tòa án xem xét việc từ chối nhận con của anh là có cơ sở.  

Còn việc anh hỏi, vợ anh sinh con nhưng không phải con của anh với vợ anh thì vợ anh có phạm tội không? Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về trường hợp xử lý vi phạm của vợ hoặc chồng đối với vấn đề này.

Chúc anh sớm giải quyết ổn thỏa!
 

N.C.B.Đ