Khuyến khích tổ chức bằng hình thức trực tuyến

VKSND tối cao vừa ban hành Quy định số 03/QyĐ-VKSTC về tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao. Quy định gồm 3 chương, 12 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Quy định bao gồm các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia các hội nghị, hội thảo đó là: Hội nghị, hội thảo do VKSND tối cao tổ chức; Hội nghị, hội thảo do VKSND tối cao phối hợp tổ chức; Hội nghị, hội thảo do VKSND tối cao tổ chức có sự tham gia hoặc tài trợ quốc tế; Hội nghị, hội thảo do các đơn vị thuộc VKSND tối cao tổ chức.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao phải bảo đảm thống nhất công tác quản lý các hoạt động đăng ký, phê duyệt và tổ chức; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống lãng phí; tuân thủ quy định của Nhà nước và VKSND tối cao. Đồng thời, khuyến khích việc tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Về thẩm quyền tổ chức, Quy định nêu rõ: Viện trưởng VKSND tối cao (hoặc các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao được Viện trưởng VKSND tối cao phân công) quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao trên cơ sở đề xuất của các đơn vị.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội thảo chuyên đề về thu hồi tài sản tham nhũng do VKSND tối cao tổ chức 

Viện trưởng VKSND tối cao thống nhất việc quản lý, tổ chức, hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao và phân công cho các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách thực hiện.

Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao tiến hành hội nghị, hội thảo theo đúng chương trình, thành phần, nội dung đã được phê duyệt (việc cử công chức tham dự một số hội nghị, hội thảo đi bằng phương tiện máy bay phải thật sự cần thiết, tránh lãng phí); thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo vệ bí mật và các quy định trong việc thông tin tuyên truyền.

Làm rõ các nội dung khi đăng ký tổ chức

Cũng theo Quy định, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, căn cứ nhiệm vụ hằng năm lập danh sách chi tiết về từng hội nghị, hội thảo; phối hợp với Văn phòng, Vụ 14, Cục 2, Cục 3 VKSND tối cao để xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác chuẩn bị. Việc đăng ký tổ chức hội nghị, hội thảo cần làm rõ một số nội dung, gồm: Mục đích, yêu cầu; lĩnh vực, nội dung tổ chức; đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện; thành phần và số lượng đại biểu; hình thức, địa điểm tổ chức (trực tiếp, trực tuyến); dự kiến thời gian thực hiện; xây dựng tài liệu và hình thức phát tài liệu; phân công trách nhiệm tổ chức; nguồn kinh phí; thông báo các cơ quan báo chí, truyền hình (nếu có); các công việc khác (nếu có).

Thời gian các đơn vị đăng ký tổ chức hội nghị, hội thảo trước ngày 30/11 hằng năm. Dự kiến thực hiện từ 1 đến 3 tháng trước khi diễn ra hội nghị, hội thảo. Đối với các hội nghị, hội thảo có sự tham gia, tài trợ quốc tế, có thể đăng ký sớm hoặc muộn hơn so với thời điểm 30/11 hằng năm.

Trong xây dựng kế hoạch, Quy định nêu rõ: Văn phòng có nhiệm vụ rà soát việc lập danh sách hội nghị, hội thảo do các đơn vị thuộc VKSND tối cao đăng ký tổ chức, đối chiếu với kế hoạch của năm trước bảo đảm không trùng lặp. Đồng thời, xây dựng dự thảo kế hoạch chung, sau đó gửi lấy ý kiến các đơn vị thuộc VKSND tối cao và lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách các khối trước khi trình Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành.

Sau khi lấy ý kiến các đơn vị thuộc VKSND tối cao và lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách các khối, Văn phòng tổng hợp ý kiến hoàn thiện kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao, trình xin ý kiến Viện trưởng VKSND tối cao để ban hành.

Ngay sau khi kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo của VKSND tối cao được ban hành, Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức có trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban của hội nghị, hội thảo và phân công nhiệm vụ từng thành viên.

Cùng với các nội dung trên, Quy định còn đề cập đến các nội dung khác như: Công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn đối với đơn vị chủ trì; các điều kiện bảo đảm thực hiện; tổng kết tổ chức hội nghị, hội thảo; việc tổ chức thực hiện…

Theo VKSND tối cao: Hội nghị là cuộc họp bàn những vấn đề cụ thể để đánh giá quá trình công tác của cơ quan, đơn vị trong một thời điểm nhất định và bàn phương hướng trong thời gian tới; thể hiện tính hành chính, kết thúc hội nghị có ban hành kết luận. Hội thảo là cuộc họp của cơ quan, đơn vị được tổ chức để thảo luận, đưa ra ý kiến tranh luận về một hay nhiều vấn đề cụ thể; thể hiện tính tự nguyện và không có kết luận.
P.V