Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có xây dựng, hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn luật sư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư.

Cùng với đó, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành trước khi có Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của luật sư như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính... được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nên một số quy định của Luật Luật sư không còn tương thích, phù hợp với những quy định của pháp luật có liên quan như thủ tục đăng ký, tham gia bào chữa của luật sư, việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Cũng theo Bộ Tư pháp, ngay sau khi Luật Luật sư được ban hành, thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên toà. (Ảnh minh hoạ)

Tính đến ngày 31/12/2023, trong cả nước đã có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. 

Đồng thời, với số lượng tổ chức hành nghề luật sư như hiện nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, với việc chuyển giao nhiều nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Luật Luật sư đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể phát huy tối đa tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình. Nhà nước chỉ thực hiện chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nghề luật sư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nghề luật sư, kiểm tra, thanh tra và tranh thủ mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

Từ những lý do trên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Luật Luật sư (thay thế) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động luật sư. 

Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, theo cơ quan chủ trì, đề xuất thay thế Luật Luật sư tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn, cụ thể gồm: Xây dựng đội ngũ luật sư có đạo đức, bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp và năng lực chuyên môn; hoàn thiện pháp luật về luật sư, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển nghề luật sư, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; chủ động trong thực hiện quản lý nhà nước nhằm bảo đảm vị trí, vai trò của cơ quan quản lý, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức và hoạt động của luật sư.

P.V