Để bạn đọc tiện theo dõi và góp ý về dự thảo Quy trình, báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu một số điểm chung và nổi bật trong dự thảo này.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Quy trình quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. 

Đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Quy trình này bao gồm: Viện kiểm sát các cấp, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức thuộc Viện kiểm sát các cấp được giao nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Người khiếu nại, người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Dự thảo gồm 35 điều được chia thành 05 chương: chương 1 gồm các quy định chung; chương 2 quy định về quy trình giải quyết khiếu nại và kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; chương 3 quy định về quy trình giải quyết tố cáo; chương 4 quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; chương 5 quy định về việc tổ chức thực hiện.

Đối với quy trình kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát phải kiểm tra, xác định dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền để quyết định thụ lý kiểm sát trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, thông tin phản ánh về dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi thụ lý, căn cứ dấu hiệu vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp kiểm sát phù hợp, cụ thể như sau:

Áp dụng biện pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo: Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo cơ quan có thẩm quyền không giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn pháp luật quy định; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo; có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng không ban hành văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.

Biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết có thể áp dụng đối với một việc khiếu nại, tố cáo, cũng có thể áp dụng đối với nhiều việc khiếu nại, tố cáo và được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp.     

Áp dụng biện pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các trường hợp: Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo và có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm; Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, có thể áp dụng đối với một vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo trong một thời điểm và được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp. 

Áp dụng biện pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo: Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo và qua nghiên cứu nội dung đơn phát hiện dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo; khi nhận được văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Biện pháp yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Áp dụng biện pháp trực tiếp kiểm sát: Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo và qua nghiên cứu nội dung đơn phát hiện dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo; có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Biện pháp trực tiếp kiểm sát được áp dụng trong tố tụng hình sự, thi hành án hình sự đối với từng vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một thời điểm nhất định. 

* Trường hợp có đủ căn cứ kết luận vi phạm đã được xác định mà không cần áp dụng các biện pháp kiểm sát thì tùy tính chất, mức độ vi phạm, Viện kiểm sát ban hành văn bản kiến nghị hoặc kháng nghị.

Xem toàn văn dự thảo tại đây: du-thao-quy-trinh.doc

Thế Đức