Đây là dự án được quảng cáo là nhằm "hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu một cách hiệu quả, khoa học".
Theo cáo trạng, bằng thủ đoạn lừa đảo, trong vòng 1 năm (từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015), Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở Hà Đông, Hà Nội) đã kêu gọi được rất nhiều nhà đầu tư, với tổng số tiền trên 2.725 tỉ đồng. Theo thông tin riêng của báo BVPL, còn không ít người bị hại “từ chối” làm đơn tố cáo Phạm Thanh Hải do bị người khác tác động.
Những siêu Dự án “bánh vẽ”
Phạm Thanh Hải sinh năm 1966, tự giới thiệu là người tốt nghiệp Đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk, Liên Xô cũ) năm 1994. Hải cũng tự giới thiệu mình là người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, từng làm việc tại Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quốc tế (Maxcơva, Liên bang Nga) và Tập đoàn MASAN (Nga), một trong những thành viên sáng lập, ủy viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Masan (Liên bang Nga).
Tháng 3 năm 2007, Hải thành lập Công ty IDT, đăng ký các hoạt động kinh doanh: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục, hoạt động tư vấn quản lý, sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm... Năm 2008, Hải bắt đầu hoạt động huy động vốn bằng hình thức ký kết các hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng vay tiền... với nội dung Bên A là các nhà đầu tư, bên B là Phạm Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT công ty IDT; bên A đồng ý góp vốn để cùng bên B đầu tư vào các dự án của Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế IDT; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế - IDMA.
Cuối năm 2009, Hải được nhiều người biết đến với việc thành lập dự án Học làm giàu. Đây là dự án được quảng cáo là nhằm "hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu một cách hiệu quả, khoa học". Dự án bao gồm việc tổ chức các hội thảo, khóa học online và offline liên quan đến phát triển bản thân, kinh doanh, làm giàu của các diễn giả và chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cho học viên.
Sau lĩnh vực đào tạo, công ty IDT của ông Hải còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thông qua dự án do công ty Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư, giám đốc công ty này cũng chính là Phó Tổng giám đốc IDT. Tuy nhiên, đây là Dự án có thông tin mập mờ, không rõ ràng.
Nổi bật nhất trong quá trình huy động vốn của ông Hải là việc kêu gọi đầu tư vào dự án "mắc-ca tỷ đô". Dự án này được quảng cáo với những lời có cánh như "1 ha mắc-ca giá trị lợi nhuận tới 2.000 - 3.000 USD, trong sản xuất thức ăn giá trị có thể gấp 3 lần và trong sản xuất mỹ phẩm sẽ gấp 20 lần". Nhằm tăng tính thuyết phục với các nhà đầu tư, tháng 6/2014, công ty của ông Hải đã cho ra thị trường các sản phẩm nhân mắc-ca dán nhãn cao cấp. Ngoài việc phát triển các sản phẩm chế biến từ nhân mắc-ca, IDT cũng đang triển khai dự án trồng gần 4.000 ha giống cây này tại Điện Biên.
|
|
Phạm Thanh Hải trong buổi chia sẻ về 'học làm giàu" (ảnh ST) |
Trên thực tế, Cty IDMA có nhận từ Hải hơn 20 tỷ đồng đầu tư nhưng theo thỏa thuận, từ năm 2013 – 2018 Cty sẽ không chia lợi nhuận do đây là giai đoạn đầu tư. Tương tự, 11 Cty khác Hải đầu tư vào cũng mới thành lập hoặc chưa thể chia cổ tức. Các dự án mà Hải góp vốn này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao và đều không phải là dự án của công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng với các nhà đầu tư. Dự án 4.000 ha mắc-ca mà ông Hải huy động vốn để trồng không nhìn thấy kết quả. Không những vậy, đến tháng 4/2015, Bộ NN&PTNT cũng đã khẳng định, chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây mắc-ca, quy trình nhân giống, chăm sóc và công nghệ chế biến mắc-ca cũng chưa được hoàn thiện.
Huy động hơn 2.725 tỉ đồng chỉ 1 năm
Nhiều người đã tin tưởng vào IDT và ông Hải, đồng ý ký vào các hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư với mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm) và được nhận tiền lãi ngay khi nộp tiền, dù chưa hề có hoạt động kinh doanh. Tùy theo thời kỳ khác nhau, nhu cầu của các nhà đầu tư mà ông Hải thống nhất đưa ra các gói hợp đồng góp với các thời hạn khác nhau (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng; thanh toán tiền hàng tháng, thanh toán tiền theo giai đoạn, thanh toán tiền cuối kỳ...); Đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Hải chỉ đạo một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải. Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư… với nội dung: bên A là các nhà đầu tư, bên B là Phạm Thanh Hải là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty IDT; việc góp vốn, ủy thác để đầu tư vào các dự án của công ty IDT, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (công ty IDMA).
Ngoài việc ký kết giữa các cá nhân với Hải, trong hợp đồng Phạm Thanh Hải còn ký sử dụng con dấu của công ty IDT với tư cách là Tổng Giám đốc công ty IDT để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn là cho công ty IDT mà đại diện là Tổng Giám đốc Phạm Thanh Hải.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Hải chỉ sử dụng một phần tiền huy động vốn để đầu tư, còn đa số được sử dụng để thanh toán tiền lãi và gốc cho các nhà đầu tư đến hạn, chi thưởng cho các cá nhân kết nối, chi phí khác (chi phí văn phòng, tổ chức hội thảo, tham quan, du lịch...). Tổng cộng, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, đã có 2.574 cá nhân góp vốn 2.725 tỷ đồng cho ông Hải, trong số này chỉ có 114 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, bị can Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Hiện Phạm Thanh Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư. Đến nay, tổng số người bị hại đã đến khai báo tại cơ quan điều tra là 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỉ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 594 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Hải khai đã thông qua quan hệ xã hội, tổ chức hội thảo và lập trang web “hoclamgiau.vn” để các nhà đầu tư biết đến mình. Đối tượng cũng nhận thức các dự án mình biết chưa thể sinh lãi cao nhưng do áp lực phải trả gốc, lãi cho các nhà đầu tư nên Hải buộc phải tiếp tục huy động vốn của những người khác. Đặc biệt, Phạm Thanh Hải thừa nhận chỉ quan tâm việc cân đối để huy động vốn, hiện tại đã không còn khả năng thanh khoản cho các nhà đầu tư.
Còn nhiều “nhà đầu tư” chưa tố cáo Hải
Theo thông tin báo BVPL có được, trước đó, ngày 2-8-2017, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng số 247/CT-VKS (P3) truy tố bị can Phạm Thanh Hải về cùng tội danh nêu trên. Tuy nhiên, do số lượng người bị hại trong vụ án này tiếp tục có đơn tố cáo, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị bổ sung số lượng bị hại trong vụ án này. Sau khi điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng mới số 83/CT-VKS (P3), bổ sung thêm 12 bị hại, nâng tổng số bị hại lên 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỉ đồng.
Cáo trạng nêu rõ, dù huy động vốn với số lượng tiền lớn, của rất nhiều người nhưng Hải không quản lý việc thu, chi tiền theo sổ sách kế toán; không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn… Càng về sau, số người đến nộp tiền cho Hải ngày càng nhiều với số lượng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng Hải phải chi trả lên đến hàng trăm tỉ đồng. Để có tiền chi trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, Hải phải tiếp tục dùng thủ đoạn nêu trên để huy động tiền góp vốn nhằm đảm bảo việc thanh toán đúng hẹn, tránh bị đổ vỡ; không để các nhà đầu tư phát hiện và tố cáo với cơ quan pháp luật.
Theo thông tin báo BVPL có được, trong quá trình điều tra về hành vi phạm tội của Phạm Thanh Hải, có nhiều người từng từ chối làm việc với cơ quan điều tra và có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải tại ngoại… Sau đó, chính những người này khai nhận, khi Hải bị tạm giam, họ được vợ Hải và các cá nhân tự xưng là đại diện các nhà đầu tư đề nghị ký tên vào đơn đề nghị, hứa khi Hải được tại ngoại sẽ trả tiền.
Cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, với những người từ chối làm việc, hợp tác với cơ quan điều tra, cơ quan điều tra sẽ tách hồ sơ để xem xét, xử lý sau.
Trần Tâm – Hoàng Thanh