|
|
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề cao công tác tiếp công dân. Ảnh: VCC2 |
Đạo đức công vụ của cán bộ Kiểm sát
Đạo đức công vụ là phạm trù phản ánh các mối quan hệ giữa người với người trong công việc và gắn liền với hoạt động của những người làm việc trong bộ máy nhà nước nói chung. Đạo đức công vụ được nhận thức, đánh giá qua ý thức, thái độ của người thi hành công vụ khi các hành vi công vụ của người cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bộc lộ như cách giao tiếp, ứng xử với nhau và với nhân dân. Cụ thể:
Thứ nhất, cán bộ Kiểm sát phải có ý chí tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng Cộng sản Việt Nam, chấp hành nghiêm cương lĩnh chính trị, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết định, chỉ thị, quy chế của Ngành.
Thứ hai, cán bộ Kiểm sát phải một lòng yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực, tự giác vươn lên để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Một trong những thước đo quan trọng về hành vi đạo đức công vụ của người cán bộ Kiểm sát hiện nay được thể hiện ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao. Cán bộ lãnh đạo phải gắn với trách nhiệm về hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ mình đảm trách; phải luôn chủ động, tự giác, sáng tạo, dự đoán được tình hình và xử lý nhanh, linh hoạt, đúng quy định công việc phát sinh.
Thứ ba, cán bộ Kiểm sát phải có thái độ "kính trọng, lễ phép" với nhân dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Trong thực thi nhiệm vụ và thi hành pháp luật, cán bộ Kiểm sát phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Phải tận tình, lịch sự, có thái độ cầu thị, tôn trọng nhân dân.
Thứ tư, cán bộ Kiểm sát phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ. Thực hiện nghiêm lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Cán bộ Kiểm sát phải luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống trong sáng, lành mạnh.
Trong thực tiễn hiện nay, đạo đức công vụ của một số ít cán bộ Kiểm sát vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cán bộ Kiểm sát về vai trò của đạo đức công vụ chưa thật cao; từ hạn chế về nhận thức đã dẫn đến chưa thực hiện đúng các nguyên tắc, quy tắc về đạo đức công vụ trong hoạt động chuyên môn. Một số ít cán bộ Kiểm sát chưa thật sự toàn tâm, toàn ý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có biểu hiện chưa thật vững vàng về bản lĩnh chính trị, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Một số ít cán bộ Kiểm sát không vượt qua được khó khăn, thử thách trong thực tiễn công tác, vi phạm kỷ luật, gây ra những sai phạm, thậm chí là nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như uy tín của của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Một số ít cán bộ Kiểm sát còn thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn tới công việc tồn đọng, chậm tiến độ, chất lượng, hiệu quả không cao.
Do đó, nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ Kiểm sát trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.
|
|
VKSND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm theo cụm, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên. Ảnh: Đức Thái |
Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ Kiểm sát trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ Kiểm sát
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ Kiểm sát. Nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ Kiểm sát là quá trình thực hiện sự chuyển hóa những yêu cầu khách quan của xã hội, của Ngành, thể hiện tập trung dưới dạng hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức thành lập trường sống tích cực, thành niềm tin sâu sắc, thành nhu cầu nội tâm vững chắc và thành thói quen hành vi đạo đức công vụ tích cực ở cán bộ Kiểm sát. Để thực hiện được sự chuyển hóa đó, khi giáo dục đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương, chúng ta phải tập trung giải quyết hai nhiệm vụ chủ yếu và thống nhất biện chứng: Một là, "nội tâm hóa" những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức thành nhu cầu bên trong vững chắc của mỗi cán bộ Kiểm sát; Hai là, tạo ra một hệ thống tập quán hành vi đạo đức công vụ tốt đẹp, phù hợp với những chuẩn mực đã được tiếp nhận. Chính trong sự thống nhất hai mặt đó, những phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát mới hình thành, phát triển và trở thành thuộc tính bền vững trong nhân cách của họ.
Thứ hai, cán bộ Kiểm sát phải thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nâng cao đạo đức cách mạng và thực hiện tốt 5 đức tính Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”
Để góp phần ngăn, chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ Kiểm sát, trước hết, mỗi cán bộ Kiểm sát phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị. Tổ chức học tập chuyên đề bằng hình thức trực tuyến để quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại công chức hằng năm. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét công chức, viên chức hằng năm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của Ngành sát với chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm lời dạy của Bác đối với người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, làm phương châm hành động trong quá trình thực thi công vụ.
Thứ ba, nâng cao ý thức pháp luật và thực thi pháp luật đối với cán bộ Kiểm sát
Cán bộ Kiểm sát là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ việc thực thi pháp luật, bảo đảm việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Nếu người cán bộ Kiểm sát hiểu biết pháp luật tốt, có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật thì hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu người cán bộ Kiểm sát ý thức pháp luật kém, có hành vi vi phạm pháp luật sẽ có tác động xấu đến xã hội, nên việc gương mẫu chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của người cán bộ Kiểm sát phải được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, mỗi cán bộ Kiểm sát phải được đào tạo và tự đào tạo để có được những tri thức, hiểu biết về pháp luật; có những kỹ năng xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật, nhằm hình thành ở họ tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ Kiểm sát cần thường xuyên trau dồi ý thức pháp luật, tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn không thể thiếu trong đánh giá phẩm chất, năng lực của từng cán bộ. Không ngừng chủ động, tự giác, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức về mục tiêu lý tưởng, đạo đức cách mạng, xác định rõ và thực hiện tốt chức trách cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức và lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng nhất, cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài suốt trong quá trình công tác của mỗi cán bộ Kiểm sát. Giữa cán bộ Kiểm sát với nhau phải thường xuyên trao đổi, thảo luận, phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng cho nhau, kịp thời phát hiện và biểu dương gương người tốt, việc tốt để đồng chí, đồng đội noi gương, đồng thời uốn nắn, sửa chữa những biểu hiện sai trái, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, vi phạm ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi công vụ cũng như các quan hệ xã hội có ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, của Ngành.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ Kiểm sát trong việc rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ
Mỗi cán bộ Kiểm sát phải thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong học tập và rèn luyện. Mục đích, động cơ đúng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy quá trình hoạt động đúng. Muốn vậy, phải làm cho cán bộ Kiểm sát hiểu sâu sắc được mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ công lý, trên cơ sở đó, giúp họ nâng cao ý thức, tích cực, chủ động trong học tập, công tác và rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh đó, các chủ thể giáo dục phải thường xuyên quan tâm, kiểm tra, uốn nắn, định hướng việc tự giáo dục, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện để nâng cao đạo đức công vụ cho người cán bộ Kiểm sát phù hợp với đặc điểm của từng nhiệm vụ chuyên môn mà họ đảm nhiệm trên các mặt công tác. Chủ thể giáo dục vừa phải giáo dục chung, đồng thời phải chú ý giáo dục riêng, định hướng riêng cho phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự giáo dục, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện với năng lực tự học và tự nghiên cứu khoa học, biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạo. Thông qua hoạt động thực tiễn công tác của họ ở các đơn vị để kiểm tra năng lực tự ý thức, tự điều chỉnh hành vi của mỗi người, đồng thời làm cơ sở cho chủ thể giáo dục nắm bắt và uốn nắn kịp thời quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ Kiểm sát, nhằm phát huy tính tích cực, tự giác của họ trong học tập, công tác và rèn luyện. Chỉ có trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện với tự giáo dục, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ Kiểm sát trong thực tiễn môi trường đạo đức công vụ thì việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ Kiểm sát mới thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.