Đồng chí Lê Minh Trí nhấn mạnh: Ngành Kiểm sát sẽ siết chặt kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, không chạy theo số lượng án mà tập trung cho chất lượng, giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc.
Sáng 4/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thẩm tra về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và báo cáo công tác thi hành án năm 2019. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nghe và cho ý kiến thẩm tra về báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao năm 2019.
Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp
Thay mặt Viện trưởng VKSND tối cao trình bày báo cáo, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2019, công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên; hạn chế và giảm dần vi phạm pháp luật, nhất là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Trong năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoành thành nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu trong các nghị quyết của Quốc hội; khắc phục cơ bản hầu hết các tồn tại, hạn chế được Quốc hội chỉ ra qua hoạt động giám sát năm 2018, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, VKSND các cấp đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông qua thực hiện chức năng, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 572 vụ án, hủy bỏ 44 quyết định khởi tố vụ và ra quyết định hủy bỏ 66 quyết định không khởi tố vụ án và 4 quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác thiếu căn cứ; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 15 vụ. Ban hành 1.363 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 98,5%, vượt 18,5% so với yêu cầu của Quốc hội.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, toàn ngành Kiểm sát đã tăng cường các hoạt động công tố, kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn. Kiểm sát viên đã trực tiếp kiểm sát chặt chẽ 72.694 hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đạt tỷ lệ 99,4%; ban hành gần 60.000 yêu cầu điều tra vụ án, tăng 17%.
Tham gia và trực tiếp hỏi cung bị can trong 44.972 vụ án; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra hơn 24.000 vụ án. Kết quả số người bị bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt tỷ lệ 98%, tăng 0,6%; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung tiếp tục giảm; tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 4,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
|
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo. Ảnh Quốc hội |
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp với Tòa án tổ chức 4.947 phiên tòa rút kinh nghiệm, ban hành 493 thông báo để rút kinh nghiệm, phòng ngừa thiết sót, vi phạm. Chất lượng thực hành quyền công tố và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm 0,46%; số kháng nghị phúc thẩm tăng 8,2%; tỷ lệ kháng nghị được Hội đồng xét cử chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Bên cạnh chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Văn Quảng cũng cho hay, thời gian qua toàn ngành Kiểm sát xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn.
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm tăng 10,1%. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động giải quyết án dân sự, hành chính, tạm giữ, tạm giam, thi hành án và ban hành hơn 6.400 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa; tỷ lệ kháng nghị dân sự hành chính được chấp nhận vượt 10,1%.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Văn Quảng thẳng thắn, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, chưa đạt yêu cầu như việc phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác; một số quyết định truy tố thiếu chính xác; còn trường hợp Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Việc giải quyết một số yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự còn chậm...
Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính
Trao đổi về kết quả nghiên cứu bước đầu đối với báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho rằng, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cơ bản phản ánh đầy đủ các mặt công tác của ngành Kiểm sát. Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Liên đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt của Viện trưởng VKSND tối cao cũng như nỗ lực, cố gắng của VKSND các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ nhiệm cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn tới 1.970 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết, chiếm 1,7%. Mặc dù số lượng có giảm so với năm 2018, nhưng đây là vẫn là hạn chế cần được VKSND các cấp quan tâm khắc phục để tránh nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp luật, vẫn để xảy ra tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, tạm giam, cũng có nhiều trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, nhưng lại không kịp thời xử lý dẫn đến bị can bỏ trốn.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cũng đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục tăng cường các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cho rẳng hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, án hành chính của VKSND còn hạn chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Siết chặt kỷ cương, đạo đức công vụ trong ngành kiểm sát
Giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đánh giá, góp ý, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế được đại biểu chỉ ra để có hướng giải quyết, khắc phục, xử lý.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng chia sẻ, trong năm 2019, VKSND tối cao đã chủ động, có kế hoạch khắc phục giải quyết những tồn tại hạn chế mà Ủy ban Tư pháp đã nêu năm 2018 và bước đầu đạt những kết quả, chuyển biến tích cực. Tiếp tục khẳng định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Viện kiểm sát là quyết tâm đấu trạnh tội phạm, đi đôi với đó là bảo vệ quyền con người; bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, đồng thời tránh oan sai nên mọi hoạt động đều cẩn trọng trong mỗi quyết định khởi tố hay không khởi tố.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, tất cả những chỉ tiêu yêu cầu đặt ra với ngành muốn quán triệt thực hiện hiệu quả phải thông qua công tác cán bộ. Thời gian qua, Viện trưởng và Ban cán sự Đảng VKSND tối cao coi công tác cán bộ là giải pháp cơ bản trước mắt và lâu dài phải thực hiện.
Nhận thức rõ chỉ có qua công tác cán bộ và lựa chọn được người đứng đầu, phát huy vai trò của người đứng đầu đề truyền tải, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Do đó, VKSND tối cao đã siết lại trật tự, kỷ cương, đạo đức công vụ trong ngành Kiểm sát. Công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất được tiến hành quyết liệt, quyết liệt xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm bảo đảm tính răn đe. VKSND tối cao đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, mạnh dạn bổ nhiệm cũng như điều động, thay đổi vị trí công tác của người đứng đầu không bảo đảm yêu cầu.
Cùng với đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, không chạy theo theo số lượng án mà tập trung cho chất lượng, giải quyết những vấn để nổi cộm, bức xúc.