Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Sau đây viết là BLHS 2015), Tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện, với lỗi cố ý trực tiếp.
leftcenterrightdel
 Bắt nhóm đối tượng cướp tài sản (Ảnh: Nguyễn Chính)

Khách thể của Tội cướp tài sản

Tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, đó là quan hệ sở hữu tài sản và quan hệ nhân thân. tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể nên trong cùng một vụ án có thể có một bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều bị hại: có bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; có bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự[1].

Mặt khách quan của Tội cướp tài sản

Về hành vi khách quan, theo quy định tại Điều 168 BLHS 2015 thì người phạm Tội cướp tài sản có thể thực hiện một trong các hành vi khách quan sau đây:

- Hành vi dùng vũ lực: là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động vào thân thể chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.  Hành vi dùng vũ lực của người phạm tội có thể thực hiện công khai hoặc lén lút, hậu quả có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc chưa gây ra thương tích gì.

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói, cử chỉ, hành động đe dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản nếu họ không đưa tài sản cho người phạm tội hoặc ngăn cản người phạm tội lấy tài sản.

Nếu người phạm tội chỉ đe dọa dùng vũ lực còn việc dùng vũ lực không xảy ra ngay tức khắc thì hành vi này không phải là hành vi khách quan của Tội cướp tài sản, mà là hành vi khách quan của Tội cưỡng đoạt tài sản.

Để xác định việc người phạm tội có sử dụng vũ lực ngay tức khắc hay không cần đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án: công cụ, phương tiện, sự mãnh liệt của lời đe dọa, thời gian, địa điểm xảy ra vụ án…

- Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản: là hành vi không phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Các hành vi khác của người phạm tội có thể là bỏ thuốc mê, thuốc độc vào đồ ăn, nước uống rồi tìm cách mời nạn nhân dùng.  

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, thì tội phạm đã hoàn thành, dù cho người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.

 
leftcenterrightdel
  Hành vi dùng vũ lực cướp tài sản (Ảnh thực nghiệm hiện trường của Kim Thoa)

Trường hợp vì mục đích chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản nhưng sau khi đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, người phạm tội lại bỏ đi, không lấy tài sản nữa tuy không có gì ngăn cản, thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Vì đối với tội này, chỉ cần người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội phạm đã hoàn thành cho dù người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa. Có quan điểm cho rằng với trường hợp này, người phạm tội đã tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhận thức này là không đúng bởi tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Ví dụ: Do cần tiền tiêu xài nên Nguyễn Văn A có ý định chặn đường để khống chế người đi đường nhằm chiếm đoạt tài sản. Khoảng 19h ngày 11/7/2018, A chặn đường chị Nguyễn Thị H với mục đích cướp chiếc xe máy mà chị H đang đi. A dùng dao chém liên tiếp vào người chị H làm chị H chết tại chỗ, A sợ quá nên không lấy chiếc xe máy nữa mà bỏ chạy về nhà.

Trong vụ án này, Nguyễn Văn A chỉ bị điều tra, truy tố, xét xử về tội giết người, không bị xử lý về tội cướp tài sản với lý do A đã tự ý nữa chừng chấm dứt việc chiếm đoạt tài sản của bị hại nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A.

Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự A về tội cướp tài sản là bỏ lọt tội phạm, bởi lẽ: khi A dùng dao chém liên tiếp vào người chị H nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe máy của chị H thì tội phạm giết người, cướp tài sản đều đã hoàn thành, việc A không lấy chiếc xe máy không có ý nghĩa định tội, đây chỉ là tình tiết để xác định khung hình phạt hoặc để xem xét khi quyết định hình phạt.

Theo Án lệ số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22/8/2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 9/9/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lực tấn công nạn nhân, làm nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích không trả số tiền mà người phạm tội có nghĩa vụ phải thanh toán cho nạn nhân, thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Về hậu quả, Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, do đó hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa xảy ra nhưng người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện một trong các hành vi khách quan đã nêu trên thì tội phạm đã hoàn thành.

Nếu hậu quả xảy ra thì tùy tính chất, mức độ để xác định khung hình phạt hoặc là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. Hậu quả của tội phạm này có thể là thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Nếu người phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản mà giết người, giết người chống cự lại hoặc người đuổi bắt thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội giết người và cướp tài sản.

 
leftcenterrightdel
  Thực nghiệm điều tra hành vi giết người, cướp tài sản (Ảnh: Xuân Mai)

Ví dụ: A là người giúp việc nhà cho B. Vì cần tiền tiêu xài cá nhân nên A nãy sinh ý định cướp chiếc dây chuyền vàng mà B đang đeo. Khoảng 2 giờ ngày 01/7/2020, trong lúc B đang ngủ, A đã dùng con dao thái lan đâm nhiều nhát vào người làm B chết, sau đó, A lấy chiếc dây chuyền vàng đeo trên cổ B rồi bỏ trốn. Trường hợp này, A phạm hai tội giết người và cướp tài sản.

Nếu người phạm tội cướp tài sản mà vô ý làm chết người thì chỉ xem xét hậu quả chết người là tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp tài sản, chứ không xử lý người phạm tội về Tội giết người.

Ví dụ: Khoảng 19h00 phút ngày 17/3/2018, C qua nhà chị D chơi, khi tới nơi thì nhìn thấy chị D đang cất tiền vào tủ nên C nãy sinh ý định cướp số tiền trên của chị D. C tiến lại gần rồi dùng tay bóp cổ chị D, yêu cầu chị D đưa tiền cho mình. Khi chị D đưa cho C số tiền trên thì C dùng tay đẩy nhẹ chị D ra để tẩu thoát, nhưng do bị mất thăng bằng nên chị D bị ngã đập đầu xuống nền nhà, tử vong.

Trong trường hợp này, C không nhận thức được hành vi của mình có thể gây nên cái chết cho chị D, không mong muốn, cũng không để mặc cho chị D chết nên C chỉ bị xử lý về tội cướp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng “Làm chết người” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS 2015.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết định khung hình phạt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy có nơi cơ quan tiến hành tố tụng do nhận thức không đúng nên đã xử lý người phạm tội về hai tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản khi họ dùng vũ lực gây thương tích cho nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Vì muốn có tiền tiêu xài nên E đã nãy sinh ý định chặn người đi đường để lấy tiền tiêu xài. Vào khoảng 22h30 phút ngày 15/6/2019, E chặn đường chị B rồi khống chế, tay trái bịt miệng, tay phải dùng con dao Thái Lan mang theo người ấn lưỡi dao vào mạng sườn bên phải chị B và yêu cầu chị B đưa túi xách, điện thoại di động cho E sau đó tẩu thoát. Chị B bị thương tích 11% do hành vi dùng vũ lực của E gây ra.

Trong vụ án này, việc E dùng dao gây thương tích cho B là nhằm chiếm đoạt tài sản của B nên E chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, không thể áp dụng thêm cho E về tội cố ý gây thương tích.

leftcenterrightdel
 KSV tham gia hỏi cung bị can cướp tài sản (Ảnh: Xuân Hưng)

Chủ thể của Tội cướp tài sản

Theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 thì những người từ đủ 14 tuổi trở lên là chủ thể của tội cướp tài sản. Người từ đủ 14 tuổi trở lên chuẩn bị phạm tội này cũng là chủ thể của tội phạm này theo quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 168 BLHS 2015.

Ngoài dấu hiệu về tuổi, người phạm tội này còn phải thỏa mãn điều kiện là: khi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 BLHS 2015.

Nếu người phạm tội cướp tài sản trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Mặt chủ quan của Tội cướp tài sản

Tội cướp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì người có hành vi tấn công không phạm tội cướp tài sản.

leftcenterrightdel
  Xét xử bị cáo phạm tội cướp tài sản ở tỉnh Lai Châu (Ảnh: Hữu Toàn)
Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội phải có trước khi họ thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản, thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự coi trường hợp này là trường hợp “chuyển hóa” từ tội phạm này sang tội phạm khác[2].


[1] Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2019, tr.15

[2] Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2019, tr.29

Nguyễn Cao Cường