Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng các giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Kiểm sát đã tham gia chia sẻ, thảo luận và trao đổi các vấn đề xoay quanh chủ đề “Các xu hướng phát triển của pháp luật trong kỷ nguyên mới”.

Diễn đàn là một trong những sự kiện sinh hoạt khoa học quan trọng chào mừng Ngày truyền thống của Nhà trường 25/4 và Ngày thành lập VKSND 26/7.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Văn Khoát, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát (giữa) chủ trì phiên bế mạc Diễn đàn.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Khoát, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát cho biết, Diễn đàn đã góp phần khơi gợi niềm say mê nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị pháp chế, nghiên cứu khoa học của các giảng viên, học viên và sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước nói chung và trong Trường Đại học Kiểm sát nói riêng. Qua đó, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu về khoa học kiểm sát nói riêng và luật học nói chung.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Diễn đàn đã nhận được 123 bài tham luận của 159 tác giả đến từ nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu với dung lượng gần 2.000 trang kỷ yếu Hội thảo. Trong đó, có 45 báo cáo tham luận được Ban Tổ chức lựa chọn trình bày trực tiếp tại 7 hội thảo chuyên đề; 49 ý kiến phát biểu thảo luận của các nhà khoa học.

Diễn đàn thu hút hơn 2.000 đại biểu tham dự (đại biểu tham dự trực tiếp là 562 đại biểu), trong đó có 125 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín, các đại biểu từ các đơn vị thuộc khối các cơ quan Trung ương, các cơ sở đào tạo, các đại biểu trong và ngoài ngành KSND như: GS.TS. Trần Ngọc Đường; GS.TS. Phạm Hồng Thái; GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế; GS.TS. Lê Minh Tâm; GS.TS. Lê Hồng Hạnh…

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Văn Khoát, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát phát biểu bế mạc Diễn đàn.

Cùng với đó, Diễn đàn có sự tham gia của: Hội Luật gia Việt Nam; Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp; Học viện Cảnh sát nhân dân; Học viện An ninh nhân dân; Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Tạp chí Nghề luật; Tạp chí Quản lý Nhà nước... Vụ công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Viện Khoa học kiểm sát; VKSND TP Hà Nội; VKSND cấp cao tại Hà Nội; Tòa án nhân dân TP Hà Nội...

“Đây là một kết quả rất trân quý và tự hào cho công tác nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kiểm sát. Tôi tin chắc chắn rằng, sự kiện này sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học chất lượng, chuyên sâu, thể hiện năng lực nghiên cứu của Trường Đại học Kiểm sát trong thời gian tới” - TS. Nguyễn Văn Khoát khẳng định.

TS. Nguyễn Văn Khoát nhấn mạnh, kết quả của Diễn đàn góp phần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, tham mưu, tư vấn chính sách và phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đại học Kiểm sát nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nói riêng và xã hội nói chung.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên bế mạc Diễn đàn.

Đặc biệt, nội dung cụ thể của từng hội thảo chuyên đề đã tập trung luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến pháp; sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Luật TTHC; Luật Phá sản; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS; về Nghị quyết thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện.

Cùng với đó, Diễn đàn cũng đã thảo luận các vấn đề Đảng, Nhà nước giao cho VKSND tối cao nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện như: Quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; các vấn đề cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước; cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng…

“Với những kết quả đã đạt được, thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học Kiểm sát, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành KSND...” - TS. Nguyễn Văn Khoát bày tỏ.

Minh Khôi - Minh Tuyến