Chiều 27/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ về công tác tư pháp quý I-2022 và các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý II-2022 .

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý I-2022, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 7/7 nhiệm vụ có thời hạn theo Kế hoạch cải cách hành chính. Bộ Tư pháp đã thực hiện xong 13 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, đã trả lời 23 kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, cùng nhiều kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký các tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 18 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở các đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để tổng hợp trình Quốc hội Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh buổi họp báo.

Trong quý I-2022, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 41 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các dự thảo nghị định, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng với 5 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Về công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong 6 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến 31/3/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 200.000 việc, đạt tỷ lệ 49% với hơn 35.000 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 

Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Về thi hành tín dụng, ngân hàng đã xử lý gần 2.500 việc với hơn 11.000 tỉ đồng. Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã hoàn thành 715 việc, tương ứng với hơn 9.000 tỉ  đồng. Cùng với đó là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thi hành 45 vụ việc.

Trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án có quyết định thuộc thi hành án của tòa án, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94 việc.

 Trong quý II-2022, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ban hành về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đưa câu hỏi về việc cơ quan chức năng phong tỏa tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong hai vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vừa qua. Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi xác minh tài sản chỉ có giá trị thi hành rất nhỏ, dẫn đến tỷ lệ thu hồi được rất ít. Do đó, cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư cũng xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

“Qua báo chí, chúng ta cũng biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo việc thi hành án về sau này”, ông Thắng Lợi nói.


Hồng Vân